THI NHÂN VIỆT NAM - Tác giả Đường Thế Nhân


THI NHÂN VIỆT NAM
Nhờ có FB được biết Thi sĩ Xuân Sách có mấy chục bài vịnh Thi nhân VN. Bác Nguyễn Khôi cũng có tới 99 bài. Mình có vài bài từ thuở hồng hoang cũng đưa lên, quả đáng thẹn, vì thế từ nay sẽ thỉnh thoảng tùy hứng thêm vào bài này một mẩu vậy. (Bài về TĐK thật ra đã phải thêm hai câu cuối, vì thời điểm đó chưa rõ cái hạ hồi phân giải)
*****************
Đáng tiếc nhiều bạn trẻ không quan tâm đến những thi sĩ lớp trước nên không có „vốn“ để giải đoán các bài thơ dưới đây, dễ xuy xét yêu ghét nhầm lẫn. Vậy tôi sẽ tự giải đố phần nào, làm giảm cái hay của thơ đố vậy!
Ai hay tráng sĩ sông Ô,
Gặp giai phẩm bỗng hóa đồ tiểu nhân!
Anh Tráng sĩ sông Ô này được dịp Nhân văn Giai phẩm nổi máu rễ chuỗi hung hăng xông lên bốc phân ném Trần Đức Thảo!
***
Cái cò thích lẩn đi chơi,
Thì thào với vợ: Cuộc đời đẹp sao.
Giật mình tỉnh giấc chiêm bao,
Bị đàn cò đểu đuổi vào rừng xanh.
Bạn trẻ này nổi tiếng với câu: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Sau này lại nổi tiếng với nhận định về Thời đồ Đểu. Là người có phẩm cách, bạn bỏ hội Cò Bợ lên Đà lạt trú chân.
***
Lá vàng mấy khóm tiêu điều
Mò vào tóm cẳng con hươu lạc đàn.
Tưởng rằng được bát sốt vang,
Ai ngờ hươu tống ra vàng nửa chum!
Lưu Trọng Lư là thi sĩ làm nhiều thơ tiền chiến. Trong „Thi nhân VN“ Hoài Thanh/Hoài Chân trích dẫn „con nai vàng ngơ ngác“, khiến người sau nghĩ ngay đến con hươu khi nói đến họ Lưu. Ông sẽ còn sống lâu nhờ con nai vàng này.
***
Cái Vạc nằm mơ lũ bầm
Cẳng như que củi nước ngâm suốt ngày.
Mơ cô quét rác tài thay,
Xương đồng da sắt sử cây chổi cùn.
Ngồi dậy khuyên Lão Xể Tun:
Trái tim nên để ở luôn … dạ dầy!
Cả nước Chẫu Chuộc vỗ tay
Khen rằng họ Vạc càng ngày càng khôn!
Bỏ làng lên núi nuôi chồn,
Một đời trồng táo chuyên môn hơn người.
Ông TH cố „hạt lúa củ khoai“ nên làm những bài thơ ngô nghê bầm bầm. Những năm sáu mươi Bài „Bầm ơi…“ bị giới có học nhại lại nhiều nhất. Đêm nằm nghe tiếng chổi tre rào rào quét đường, ông tưởng tượng một bà Triệu Ẩu xương đồng da sắt sử cây thiết chổi tre. Ông bảo Người trên đời "sống để yêu nhau" nhưng lại chỉ cho vợ có một phần nho nhỏ trái tim, xào rau muống cũng chẳng đủ. Ông lo họ Mao phải lòng Giang Thanh, bán đứng nước Tàu cho An Nam, nên khuyên Mao không nên „Trái tim sai chỗ để trên đầu“ và dậy Mao bài học „Tôi kể cùng anh chuyện Mỵ Châu...“ , cố giúp Mao tránh cái chết đẹp nhất là chết vì yêu!. Chắc là Mao cố học mà không thuộc bài nên bỏ đi làm Cách mạng Văn hóa. Ông bực mình, xui dân rời làng lên núi, nhưng bọn khỉ nó chống phá, không địch nổi nên bại quân đành Trở về Sorrento.
À, còn chuyện trồng táo thì có người ca ngợi ông có tài làm nông nghiệp đã viết chuyện "Cây táo ông Lành", hình như ông thích lắm.
***
Cò bợ bỏ nước sông Thương.
Mướp Vàng rơi rụng, Chuồn Chuồn bay xa.
Trời không cho học cấp ba,
Mất Chuồn Chuồn chỉ biết ca Cào Cào!
Cô Anh Thơ có tài hoa, quan sát tinh tế và có chế biến nội tâm. Được giải thưởng của Tự lực Văn đoàn khi 15 tuổi. Tiếc vốn văn hóa ít, nên sau này không phát triển được.
***
Cái cò gõ sọ mỏi tay,
Làm thơ Vô Trí - Chúng mày biết Ông!
Chăn Thơ nổi tiếng Á đông:
Lủng lẳng những vú với mông lạ đời.
Cờ Đen đá đít tơi bời,
May sao Đại táo ngồi nơi bàn đầu.
Trời cho bao tử thần sầu:
Chuyên ăn bánh vẽ, chỉ đau dạ dầy!
Ăn rồi phát biểu ghê thay:
Bánh xèo kia chính là mày: Bánh Bao!
Thi sĩ họ Chế được bạn hữu khen là thông minh, ông quá hăng hái nhưng không sáng suốt khi đi khai phá đất Thơ, còn là người phát biểu những câu để đời. Ông có thái độ đứng đắn hơn nhiều thi văn sĩ khác trong thời Nhân văn Giai phẩm và không phụ họa quá đáng Cải Cách Ruộng đất. Về già than phải ăn nhiều bánh vẽ. Thực ra có ai bắt ông ăn đâu! Tự nguyện ăn thì kêu sao được.
***
Chúng mình chung dậu mồng tơi,
Sao mày đấm méo cái nồi của anh?
Hận đời, nhai quả mơ xanh,
Vừa chua vừa chát cho anh nhớ nàng:
Thôi thôi cái bọn bướm vàng,
Cút đâu thì cút, cấm sang bên này!
Nhà thơ dễ thương có tâm hồn nhỏ nhẹ này đã bị một đồng chí trong hội nhà văn giáng cho một quả đấm chí mạng, đấm bằng tay thật sự ấy chứ không phải bằng mồm đâu. Cuộc đời như quả mơ xanh, sắp chín thì lại rụng mất. Với tôi, bài thơ đẹp nhất của NB là bài Cô Hái Mơ. Thi sĩ hỏi cô hái mơ có "ở lại về cùng ta " không, tương tự chàng thợ săn trong bài Lorelei của Josef von Eichendorf. Cái khác nhau chính của hai bài thơ là thi sĩ ôm mạng về một mình còn chàng thợ săn thì để mạng lại cho cô gái.
***
Cái cò nằm đếm lá đa
Rơi ngiêng rơi ngửa cùng là không rơi.
Kinh Thày mò cá vui đời,
Nghe Bờm xui dại chui nơi gậm giường.
Múa lá mía tưởng múa gươm,
Thần Sấm nó bóp tịt đường thơ văn.
Ngồi buồn ghẹo lũ cò quăm,
Con ơi nó mổ nhăn răng bây giờ!
Vợ rằng thôi chớ làm thơ.
Bao giờ hậu vận ta nhờ văn xuôi.
Cậu bé họ Trần có tài ngôn ngữ bẩm sinh, quan sát tinh tế, nhưng thuộc loại hướng ngoại. Thơ của cậu khi còn nhỏ phản ánh ngoại cảnh tốt nhưng rất ít chế biến nội tâm. Nếu được phát triển bình thường nhất định sẽ rơi vào bế tắc khi lối thơ hướng ngoại đi vào ngõ cụt. Để đi tiếp trong nghề thơ sẽ phải đi thực tế nhiều, càng lăn lộn với đời càng thêm chất liệu cho thơ. Một hôm thấy trên báo có bài thơ khá dài của cậu về Đánh Thần Sấm, tả những những lá mía múa gươm với cái gì đấy, tôi tiếc cậu bé lạc đường. TĐK có tâm hồn hiền hậu, không hợp làm những loại thơ đấm đá hung bạo và cũng chưa đủ sức làm thơ dài hơi. Đáng tiếc cậu bé bị Xuân Diệu phát hiện, dẫn dắt sai đường… TĐK viết văn tế nhị, thành công nhưng chắc cũng mua thù chuốc oán nhiều. Đồng chí của cậu trả thù cho lên báo cả ảnh Khoa đi công tác nước ngoài đang mua xịp cho vợ. Mua xilip cho vợ là ngoan, không có gì là xấu. Xấu là những kẻ đưa ảnh lên báo! Cò quăm nó mổ không chết là có phúc lớn!
***
Cò bợ bảy chục tuổi đời,
Tìm được vạc bố tám mươi gần tròn.
Vạc rằng tao chẳng có con!
Bợ rằng đúng bố, sao còn chối quanh:
Bố quen trò vạc nổi danh,
Đêm đi mò, sáng đánh nhanh bài chuồn!
Vạc nghe tức vãi thần hồn:
Cho mày mất bố, chết luôn xong đời!
Hai bố con ông này thơ tầm thường. Bài này viết khi cò bợ còn sống. Thôi để đời sau bình luận, cho cháu nó còn có cái gì mà viết.
Còn dăm bài khác nhưng cũng lỗi thời như vậy, không muốn đưa lên nữa.
Tôi cũng có ý định viết vài câu về Xuân Diệu, người hàng năm sản xuất văn chương nhiều hơn cả Viện Văn học Bulgaria (theo Chế Lan Viên), nhưng từ 1950 không đọc ông ta bao giờ. Vả lại ông có bài thơ tự vịnh phục vụ Cải Cách Ruộng Đất được người ta giới thiệu nhiều rồi, mình cũng không thể nói hay hơn được. Chỉ nhớ báo gì đó bảo ông còn khen mấy câu thơ này của ông là tuyệt bút:
Lúa Xuân là chị lúa xanh,
Đến khi lúa chín là anh lúa vàng.
Tạm hết, khi nào ngồi buồn lại bổ sung.
LTN
Một hôm tập tự vệ với nhau, anh Nhưng, bạn cao tuổi hơn ở Viện Địa học ra câu đối:
- Xuân Diệu, Xuân Xanh, Xuân tóc đỏ!
Mình nghĩ mãi không ra vế đối, anh bảo: Dễ thôi,
- Tú Xương, Tú Mỡ, Tú lơ khơ!
Chịu!
Không biết mọi người còn nhớ cái trò tú lơ khơ này không?
LHK
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1041479389991362&id=100023879320082

Nhận xét

Bài đăng phổ biến