NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 2

 

2.

Năm 1949, sau 3 năm tản cư,  4 u con tôi hồi cư về quê trên cái nền nhà hoang tàn đổ nát. U tôi cũng tạm xin ở nhờ bên nhà ông Thứ cùng với bà nội Chi. Rồi hàng ngày, u và chị gái tôi vừa làm ruộng vừa tranh thủ dọn dẹp ngôi nhà đã bị đốt sạch và thuê người dựng lại một túp nhà nhỏ 3 gian, tường là những viên gạch cũ, hồ vữa bằng bùn ao, cột kèo bằng tre, mái lợp rạ. Sau đó 4 u con tôi và cả bà nội Chi về sống ở căn nhà đó. Bây giờ bà nội Chi không làm hàng xáo nữa, một phần vì bà đã già, mắt lại kém luôn luôn bị lông quặm gây đau nhức, một phần vì các đồ làm hàng xáo nhất là bộ chum bằng gốm đã bị mất hết chỉ còn đúng 1 cái để hứng nước mưa từ cây cau đổ xuống hoặc chứa nước gánh từ giếng làng về. Mọi kế sinh nhai đều trông vào việc làm ruộng của u và chị cả tôi cộng thêm chút vốn liếng buôn thóc bán gạo gần một đời của bà nội Chi vì vậy dựng được nhà mới nhưng đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài cái phản gỗ cũ bà nội Chi xin lại ở nhà chánh Ngãi về. Tối tối hai anh em tôi ngủ trên cái phản đó, bà nội Chi ngủ ở gian chái bên trái, u và chị cả ngủ ở gian chái bên phải.

Năm 1950, cậu tôi đón hai ah em tôi ra Hà Nội để ăn học. Lúc mới tản cư về, gia đình cậu tôi cũng sống nhờ trong ngôi nhà của mẹ vợ cậu, bà Nguyễn Thị Tư ở phố Hàng Trống. Bây giờ ông cậu ruột của mợ tôi là ông Nguyễn Văn Năm phải xuống làm việc ở sở Đoan Hải Phòng, chỉ đem theo bà vợ và cậu con trai út còn nhỏ để lại ngôi nhà 2 tầng ở 19 Phù Đổng Thiên Vương cho bà Sáu em ruột ông trông nom cùng ba cô con gái lớn trong đó 2 cô đang đi học. Vì vậy ông Năm bảo cậu mợ tôi về ở cùng bà Sáu và ba cô con gái ông vừa rộng hơn trên Hàng Trống vừa tiện giúp bà Sáu cũng là dì của mợ tôi trông nom các con ông học tập.

Ngôi nhà 2 tầng của ông Năm to đẹp như một biệt thự phố có cổng sắt hoa văn rất trang nhã mở vào một lối đi như cái ngõ nhỏ dẫn thông đến mọi chỗ trong nhà.  Nền các phòng đều lát gạch hoa nhập từ Pháp sang trông rất đẹp. cầu thang gỗ bóng loáng từ tay vịn đến các bậc thang. Bà Sáu và 3 cô cháu ở tầng một, cậu mợ tôi và hai con gái còn nhỏ ở tầng hai. Tôi và anh tôi cũng ở tầng hai trong gian buồng nhỏ ngay đầu cầu thang lên. Đây là lần đầu tiên tôi được ở nhà tây và biết thế nào là nhà tây. Và cũng nhờ được ở căn nhà tây ngoài phố này, tôi đã tập đi xe đạp và biết đi xe đạp từ năm 1950.

Nhưng ở ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương mới chừng mấy tháng thì ở dưới Hải Phòng, ông Năm cũng đã ổn định công việc và đã mua một căn nhà mới ở phố Tám Gian, có ý định đưa bà em không lấy chồng và ba cô con gái xuống Hải phòng nốt. Cũng thời điểm ấy, mợ tôi đòi lại được ngôi biệt thự 3 tầng ở 25 phố Phùng Khắc Khoan nên cậu mợ tôi cũng dọn về ngôi biệt thự của mình. Ngôi nhà của ông Năm cho gia đình một ông giáo dạy tiểu học tên là Đào Quốc Ân quê ở Bát tràng ở thuê. Sau năm tiếp quản Hà Nội, gia đình ông Năm di cư vào Sài gòn, ngôi nhà đó thuộc về nhà nước quản lý nhưng người ở vẫn là gia đình ông giáo Ân. Nghe nói khi ông giáo Ân chết thì các con ông đều trưởng thành và có gia đình riêng, họ chia nhau ở chung trong ngôi nhà đó.

Sau năm 1975, vào Sài Gòn tôi tìm thăm gia đình ông Năm thì được biết bà Năm vợ ông và cả bà Sáu em gái ông đều đã mất. Ba cô con gái  đã có gia đình riêng, tất cả đều khá giả, gia đình cô bé nhất đã di tản sang Mỹ. Ông Năm giờ ở với cậu con út trong một ngôi nhà cấp 4 nhưng khá rộng rãi ở ven một quận xa trung tâm Sài Gòn. Tôi hỏi ông còn nhớ ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương Hà Nội không thì ông buồn rầu và thành thật nói:

- Làm sao mà quên được hả cậu? Nhớ và tiếc lắm. Cũng may trong thời gian 300 ngày ở Hải Phòng, tôi đã kịp bán được ngôi nhà ở phố Tám Gian, bán rẻ nhưng cũng được ít tiền mang xuống tàu vào Sài Gòn. Nhưng vật đổi sao dời, có nhớ tiếc cũng đành bất lực với thời thế thôi cậu ạ!.

Tôi kể vắn tắt cho ông nghe số phận của ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương hiện giờ. Ông thở dài, nói:

- Sông kia rày đã nên đồng. Cậu đừng kể nữa kẻo tôi phát khóc lên mất. Mà ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương của tôi sao bằng biệt thự 25 Phùng Khắc Khoan của cậu mợ cậu!

Về ngôi biệt thự ba tầng ở 25 Phùng khắc Khoan: Nguyên ông thân sinh của mợ tôi là ông Đỗ Đình Đạt, một đại điền chủ giàu có thuộc dòng họ Đỗ Đình, con của cụ Đỗ Đình Tiến (bị Việt Minh giết) và cháu nội của Đô thống Đỗ Đình Thuật. Ông Đỗ Đình Đạt là con thứ, chỉ ăn chơi hưởng thụ trong khi các anh em và cháu ông nhiều người tham gia hoạt động chính trị nổi tiếng như ông Đỗ Đình Đạo gia nhập Đại Việt Dân Chính Đảng do Nguyễn Tường Tam thành lập năm 1938, rồi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1952, thủ tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam là Nguyễn Văn Tâm giao cho Đỗ Đình Đạo chỉ huy Đoàn Quân Thứ Lưu Động (Groupe Administratif Mobile en Opération viết tắt là GAMO) ở Bắc Việt…

Ông Đỗ Đình Đạt kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Tư theo truyền thống môn đăng hộ đối. Hai ông bà sinh được hai người con: Người con gái đầu là Đỗ Thị Ý sau này là mợ tôi; người con trai thứ là ông Đỗ Đình Cận du học bên Pháp rồi sống ở bên đó. Khoảng những năm cuối thập kỷ 30 đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, ông Đỗ Đình Đạt lên ở đồn điền trên Thái Nguyên, lấy thêm bà vợ hai nhưng không có cưới xin chính thức vì dòng họ ông là dòng đạo Thiên chúa gốc. Họ có với nhau 3 người con: Đỗ Đình Liên (1937), Đỗ Đình Uy (1939) và Đỗ Thị Lan (1941). Đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thì ông đỗ Đình Đạt qua đời ở trên đồn điền đó.

Trước khi lên sống ở đồn điền trên Thái Nguyên, ông Đạt đã làm giấy cho bà Tư đứng tên ngôi nhà ở phố Hàng Trống và cho hai người con đứng tên hai căn biệt thự phố. Bà Đỗ Thị Ý, mợ tôi được căn biệt thự 25 Phùng Khắc Khoan, ông Đỗ Đình Cận được căn biệt thự ở phố Huyền Trân Công chúa. 

Khi kháng chiến bùng nổ, gia đình cậu mợ tôi tản cư, gia đình ông Cận vẫn ở lại Hà Nội. Căn biệt thự của mợ tôi nhờ ông Cận trông nom nhưng ông Cận cho bạn ở nhờ. Vì thế khi gia đình cậu mợ tôi hồi cư phải mất mấy tháng dòng mới lấy lại được.

Ngôi biệt thự 25 Phùng Khắc Khoan phải nói là to lớn và sang trọng. Mặt tiền rộng đến 10 mét. Cổng gỗ 2 cánh ra vào phía bên trái mặt tiền, ô tô qua lại dễ dàng đi thẳng vào nhà xe rộng lớn. Bên cạnh nhà  xe là một gian nhà kho đủ để ở cho một gia đình. Phía sau nhà xe và nhà kho là nhà bếp cũng rất rộng. Nền cả ba căn nhà đó đều lát gạch vuông màu đỏ. Qua nhà bếp tới một khu vườn rộng trong đó có khu nhà vệ sinh tự hoại có cái giật nước rửa xả mỗi khi vệ sinh xong. Cuối vườn xây một hầm trú ẩn mọi người quen gọi theo tiếng Pháp là tranchées  bằng bê tông để tránh bom đạn phòng khi có biến ngoài xã hội.

Sau này sống với cậu mợ tôi ở 25 Phùng Khắc Khoan không chỉ có chị em Vị Nguyên với tôi mà cậu mợ tôi còn cưu mang gia đình dì Ấn, em gái thứ tư của u tôi và cũng là chị gái cậu tôi, đưa cả nhà dì từ bên Gia Lâm về ở, rồi nhận 3 người con cùng cha khác mẹ với mợ tôi người ta đưa về từ trên Thái Nguyên do ông Đỗ Đình Đạt đã chết và nay mẹ của ba người em ấy cũng chết nốt chỉ còn trông cậy vào mợ tôi là con gái lớn của ông Đạt. Thế là tôi có thêm ba người bạn trai cùng trang lứa là Đào Quốc Giám con dì tôi và hai anh em Đỗ Kim Liên, Đỗ Uy Liêm, em cùng cha khác mẹ của mợ tôi.  Ngày nào mấy thằng con trai chúng tôi cũng chơi đá cầu hoặc đánh bi đánh đáo trong cái vườn ấy của ngôi biệt thự.

Biệt thự có ba tầng. Lối đi lên tầng hai là một cầu thang ngoài trời bắt đầu từ chân một cái vườn hoa hình vuông, bao xung quanh là gạch men đỏ cao hai tấc nằm bên phải cổng. Cầu thang này chiều rộng khoảng 2, 4 mét, toàn bộ các bậc thang đều lát gạch đỏ theo chiều dày của viên gạch nên nom rất chắc chắn. Bên trái cầu thang là tường nhà được xây bằng gạch vữa theo lối cách âm các phòng trong rạp hát. Bên phải cầu thang thay vì cho tay vịn là các bậc mặt đá để đặt các chậu hoa cây cảnh. Qua hết cầu thang ngoài trời sẽ tới một hành lang có cầu thang gỗ đẹp đi lên tầng ba và một cầu thang khác xây bằng xi măng đi xuống phòng bếp tầng một.

Ngôi biệt thự luôn được cậu mợ tôi cho người chăm sóc cẩn thận nên lúc nào cũng sạch đẹp từ sân vườn đến bên trong các phòng pốc. Cậu tôi là kỹ sư nông nghiệp nên khu vườn hoa và các chậu hoa lúc nào cây hoa cũng xanh tươi và thi nhau trổ hoa rất đẹp. Tôi thích nhất mấy chậu tường vi cậu tôi đặt trên các bệ đá lan can cầu thang gạch. Mỗi lần đứng trên cầu thang ngoài trời đó, được nghe bài hát Cô láng giềng vẳng ra từ chiếc radio Philips Hoà lan 7 đèn trong nhà, đến câu: đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi, tôi luôn tưởng ra cảnh đôi trai gái bên những bông hoa tường vi tươi đẹp và tiếc cho duyên phận lỡ làng của họ.

Trong các phòng, mọi thứ đều luôn ngăn nắp sạch sẽ. Cậu mợ tôi ở trọn tầng hai gồm hai phòng lớn, phòng trong dùng làm phòng ngủ, có giường sắt Hồng Kông của cậu mợ và giường gỗ cho các con, phòng ngoài dùng làm nơi làm việc của cậu tôi có bàn ghế, có tủ sách và một bàn chơi mạt chược. Thường chiều và tối thứ bẩy hàng tuần, bè bạn của cậu tôi hay tập trung ở căn phòng này khi chơi mạt chược khi đánh tổ tôm thâu đêm đến sáng hôm sau mới tan, nửa đêm họ thường ăn các thức quà nóng, khi bánh giò, khi xực tắc, khi bánh mì sữa...

Trên tầng ba có ba phòng, cậu tôi dành một phòng cho dì tôi và các cháu gái ngủ, một phòng cho bọn con trai chúng tôi còn một phòng nhỏ cho anh Lê Văn Doanh, gọi cậu tôi bằng chú họ do anh là con ông Cửu Căn anh em con cô con cậu với cậu tôi ở làng mượn để tiện việc học trường trung học ngoài Hà Nội.

Dưới tầng một, nơi nhà xe được dọn phong quang một góc kê cái sập gụ và cái tủ chè để ông ngoại tôi và bà vợ kế ở. Hai cụ tự nấu ăn riêng cho có việc để đỡ buồn chân buồn tay và tiện giờ giấc sinh hoạt của người già. Bếp nấu là một cái hoả lò nhỏ dùng than hoa đặt ngay trên sập, nôi nấu là nồi đồng điếu, gạo nấu là gạo tám xoan trắng dẻo và thơm phức. Thức ăn của hai cụ không nhiều thường là giò lụa hay thịt thăn rim khô vởi rau luộc hay rau nấu canh suông. Giò thịt hay rau thường do u già đi chợ mua về cho hai cụ.

Nơi nhà kho dành cho anh Lê, một người cháu rể trong họ của cậu tôi. Nhiệm vụ của anh là dắt xe đạp ra rồi mở cổng khi cậu tôi đi làm và dắt xe đạp vào, đóng cổng khi cậu tôi về, thấy xe bẩn thì lau cho sạch sẽ. Sau này cậu tôi đi chiếc xe máy Motobécane thì anh Lê có thêm việc rửa xe mỗi khi trời mưa cậu đi làm về. Ngoài mấy việc đó, anh Lê còn có nhiệm vụ trông nom người ra kẻ vào mỗi khi ngoài cổng có tiếng chuông gọi.

Gian nhà bếp dành cho hai u người làm. U già là người tuổi ngoài 50 chuyên việc đưa xách làn theo mợ tôi đi chợ rồi về cơm nước cho cả nhà. Cơm canh thì có hai chế độ, một mâm dành cho cậu mợ và dì Ấn, một mâm dành cho bọn trẻ con em chúng tôi và ncacs người làm. Ngoài ra u già còn phải giặt quần áo cho cậu mợ và các con, chiều tối thì thu cất và gấp lại đưa vào từng ngăn tủ. Bọn trẻ chúng tôi tự thay tự giặt và tự cất vào chỗ của mình. U em là người mới ngoài 40 chuyên bế ẵm em bé của cậu mợ tôi, cho em bé ăn, trông cho em ngủ và tắm rửa cho em.

Tôi ở căn biệt thự này từ cuối năm 1950 cho đến năm 1959. Đầu năm 1955, cậu tôi đưa vợ con cùng những người phải đi theo là chị em Vị Nguyên và các em cùng cha khác mẹ với mợ tôi xuống vùng 300 ngày Hải phòng rồi di cư vào Nam. Căn nhà giao cho dì tôi trông nom.

Ít ngày sau, ba người cán bộ nhà nước đến kiểm tra nhân khẩu ở căn nhà này. Họ bảo, nhà ở rộng quá trong khi nhiều cán bộ công nhân viên chức đang thiếu chỗ ở cần phải sắp xếp lại. Gia đình dì tôi chỉ được ở một căn phòng tùy chọn còn các phòng khác sẽ do họ phân cho các hộ mới. Dì tôi không biết nói sao, đành chọn căn phòng làm việc của cậu tôi đã ở tầng hai vì có thêm ban công rộng phía ngoài. Cứ thế, nay họ đưa một hộ, mai lại một hộ đến ở ngôi biệt thự đó. Như thế cũng chưa đủ, họ còn cho người phá hủy vườn hoa bên cổng rồi xây dựng nham nhở lên đó một căn nhà nhỏ. Khu vườn bên trong cũng được xây lên hai căn như thế. Và họ cười sung sướng vì đã có sáng kiến để có thêm ba căn nhà mới cho ba hộ ở vùng kháng chiến trở về Thủ đô.

Do số người ở tăng nhanh và quá đông mà cả khu biệt thự cũ chỉ có một nhà vệ sinh tự hoại nên giờ nẩy sinh ra nhiều khó khăn cười ra nước mắt về chuyện đi đại tiện. Nhiều nhà đã phải tự tạo ra chỗ đi tiểu ngay trong nhà có ống thoát dẫn xuống cống và khi bí quá họ cũng đành đi đại luôn ở đó. Nhà dì tôi và một nhà khác ở tầng ba nhờ có cái ban công nên đã biến nó thành cái nhà bếp và nhà vệ sinh luôn.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến