NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 3

 

3.

Tháng tư năm 1959, tôi theo học lớp đào tạo cán bộ của trường nghiệp vụ ngân hàng trung ương đóng tại đình làng Cổ Mễ, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, được phân ở nhờ nhà một bà nông dân. Nhà ở dưới chân núi Châu Sơn, tường gạch, sân gạch và mái rạ, có bể xây chứa nước ăn uống. Học xong tôi bị điều lên ngân hàng Thuận Châu, thủ phủ khu Tự trị Thái Mèo, sống tập thể trong một cái lán rộng thênh thang toàn bộ làm bằng tre nứa với hai dãy giường cách nhau 2 mét cũng bằng tre nứa chạy dài suốt từ đầu lán đến cuối lán, mỗi người  được một ô mắc màn để ngủ. Những tưởng sẽ công tác ở miền núi lâu dài và vĩnh viễn chia tay ngôi biệt thự ba tầng của cậu mợ tôi ở Hà Nội. Ai hay, cuối năm 1959, tôi bỏ việc ở ngân hàng Thuận Châu quay về Hà Nội lại phải về sống với nó thêm ít tháng ngày nữa. Cho tới đầu tháng Ba năm 1960, khi xuống Hải Phòng nhận chân giáo viên dân lập cấp 2, tôi mới chia tay đứt với ngôi biệt thự đó.

Ở Hải Phòng, trong 6 tuần học sư phạm cấp tốc, tôi và 5 người bạn cùng lớp được sở Giáo dục bố trí cho ở nhờ một căn phòng khá rộng trong ngôi nhà của một bà giáo già tên là Thuận dạy tiểu học từ thời Pháp thuộc. Bà giáo Thuận không có con, chồng đã mất nên nhà chỉ có hai người là bà và cô cháu gái họ mới 14, 15 tuổi. Nhà có sân gạch rộng và đặc biệt có một bể ngầm rất to để chứa nước mưa vì thời đó nước máy chưa có nhiều đường ống vào các nhà, đa phần phải lấy nước ở vòi máy công cộng ngoài hè phố. Khi ấy sắp vào mùa mưa, bà giáo bảo chúng tôi thau rửa hộ cái bể ngầm đó. Cả 6 anh em đều cởi trần quần đùi chui xuống bể, nô rỡn té nước trêu nhau rồi mới kỳ cọ bể và múc nước đổ lên sân, lấy quần áo cũ của bà gió đưa cho lau sạch khô cái bể. Quả nhiên sau dó ít ngày, trận mưa rào đầu tiên như trút nước từ trời cao xuống tha hồ có nước mưa trong bể mà dùng.

Sau khóa học cấp tốc, tôi không bị phân ra ngoại thành mà được về trường phổ thông cấp hai dân lập Tiền Phong ở nội thành. Anh Vương Văn Bảo, một trong 6 người đã ở nhờ nhà bà giáo Thuận cũng được về trường phổ thông cấp hai Hoàng Văn Thụ ở cạnh trường Tiền Phong của tôi.

Hồi đang học cấp tốc, tôi và anh Bảo đã thân nhau nay lại về dạy ở hai trường sát nhau nên có chuyện gì cũng hỏi han bàn bạc với nhau. Việc đầu tiên chúng tôi bàn là tìm chỗ ở đâu bây giờ ngay ngày đầu dời khỏi nhà bà giáoThuận? Nhưng thật rất may cho chúng tôi, cả hai ông hiệu trưởng của hai trường khi biết chúng tôi chưa có chỗ ở đều bảo chúng tôi tạm ngủ ở nhà trường, tìm lớp học nào thoáng mát kê ghế học sinh ra làm giường rồi rải chiếu lên. Sáng hôm sau  kê ghế lại như cũ, chăn màn gói gọn gửi xuống văn phòng ông thư ký, thế là tạm ổn.

Nhưng thật may cho hai chúng tôi, chỉ sau gần một tháng lấy lớp học làm phòng ngủ, ông Bùi Mạnh Cát hiệu trưởng trường anh Bảo hẹn gặp hai chúng tôi và bảo:

- Tớ thấy hai cậu phải ngủ ở lớp học mà ngôi nhà vợ chồng tớ đang ở còn thừa một phòng. Nó là nhà của ông bố vợ tớ nên tớ đã gặp cụ nói hoàn cảnh của hai cậu và xin cụ cho hai cậu ở nhờ và cụ đã đồng ý. Vậy trưa nay hai cậu theo tớ về gặp cụ.

Cả hai chúng tôi đều rất vui mừng, cảm ơn ông Cát và ngay trưa hôm đó đạp xe theo về nơi ông ở.

Qua mấy lần trò chuyện với ông Cát, tôi và anh Bảo đều đã biết, ông là người Ninh bình, hoạt động Đoàn thanh niên cùng thời với ông Nguyễn Lam, đương kim bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên lao dộng Việt Nam. Vợ ông Cát là con gái đầu lòng của cụ giáo Nguyễn Đăng Khản. Cụ Khản xưa học sư phạm cùng với nhà văn Nguyễn Công Hoan. Theo ông Cát nói thì ngôi nhà của cụ là tiền công cụ kèm cặp cho hai cậu con Tây trong vòng hai năm nhưng được ông chủ ứng trước tiền để mua đất xây nhà ở đường Trại Cau. Cụ Khản sau lấy thêm bà vợ hai, mua nhà riêng cho bà này và sống cùng bà ta bên Hạ Lý. Căn nhà ở Trại Cau để cho bà vợ cả và các con ở.

Cụ khản đã hẹn trước với con rể nên tiếp hai chúng tôi rất thân tình. Cụ bảo:

- Nghe anh Cát nói hai cậu chưa có chỗ ở mà dãy nhà chỗ vợ chồng anh Cát ở hiện còn dư một phòng, vậy hai cậu dọn đến mà ở để vợ chồng anh Cát có hàng xóm cho thêm vui.

Cả hai chúng tôi đều lần lượt nói câu “ chúng cháu cảm ơn bác và gia đình ạ”. Vừa nghe xong thì cụ Khản nói luôn:

- Cảm ơn cái gì? Để tôi nói hết đã. Tôi thì không sao nhưng bà cả nhà tôi bà ấy khó tính lắm, anh Cát chắc chưa nói cho hai cậu biết. Vì thế, để bà ấy khỏi kêu ca phàn nàn, cứ bảo là tôi cho hai cậu thuê phòng và mỗi tháng các cậu gửi cho bà ấy 3 đồng cho nó yên mọi chuyện nhé!

Chúng tôi vâng và cảm ơn cụ giáo Khản  lần nữa.

Sau đó anh Cát đưa chúng tôi xuống nhà chào bà cả mẹ vợ anh ấy rồi dẫn chúng tôi dạo xem cả khu nhà.

Toàn bộ diện tích khu nhà của ông giáo Khản rộng chừng 400 mét vuông, mặt tiền ngay hè phố Trại Cau rộng hơn 10 mét. Qua cánh cổng sắt hai cánh khá to và chắc chắn, bên phải là một hàng cau già cao lớn, bên trái là một cái bể nước dài xây nổi, ở giữa là lối đi lát gạch vuông Bát tràng mầu nâu đỏ. Lối đi dẫn vào khu nhà ngoài gồm 3 phòng khá lớn, một phòng của riêng bà cả, một phòng dành cho vọ chồng anh con trai lớn là nguyễn Đăng Hồng, một phòng cho ba đứa em anh Hồng  đang học cấp hai. Mé trái 3 phòng đó là một cái hành lang rộng 2 mét dẫn vào một cái sân gạch vuông vắn ngăn cách khu  khu trong nền cao hơn khu ngoài nửa mét có 3 bậc len xuống. Khu nhà này có 3 phòng diện tích như nhau, mỗi phòng rộng 30  mét. Gia đình anh Cát ở 2 phòng đầu gồm 5 người gồm bà mẹ đẻ anh Cát, vợ chồng anh và hai cô con gái còn bé. Gian thứ ba cuối dãy chính là gian cụ giáo Khản cho tôi và anh Bảo đến ở. Sau ba gian nhà trong là một cái bếp, bệ bếp xây bằng gạch, phía dưới bệ là nơi chứa than củi rất tiện cho người đứng nấu nướng. Phía sau bếp là một khu vườn rộng nhưng chỉ có mấy cây ổi đã già chắc do chủ nhân chính là ông giáo Khản không thường xuyên ở khu nhà này mà bà vợ ông và các con cũng không ai quan tâm đến việc trồng trọt. Cuối vườn góc bên phải là dãy nhà vệ sinh.

Tôi nói với anh Bảo:

- Chỉ với số tiền ông chủ Tây ứng trước cho một ông giáo để kèm thêm cho hai đứa trẻ mà mua được cả khu đất rồi xây nên một cơ ngơi như thế này. Tôi và anh bây giờ lương tháng 37 đồng cộng 10% phụ cấp đắt đỏ thành 40 đồng 7 hào, ăn sáng thấp nhất là xôi gói lá bàng mỗi tháng 3 đồng, cơm hai bữa mậu dịch quốc doanh 6 hào, vị chi là 18 đồng một tháng, rồi còn tiền nọ tiền kia như xà phòng, cắt tóc, bút giấy mực soạn chấm bài..., thật tiết kiệm là thế nhưng gói gọn tất cả cũng tới 30 đồng. Còn lại dành dụm được 10 đồng 7 hào. Bao giờ thì hai ông giáo dân lập chúng ta mua được nhà ở nhỉ?

Ở nhà cụ giáo Khản được hai năm, cuối hè năm 1962, tôi phải điều chuyển về trường phổ thông cấp hai Đinh Tiên Hoàng mới thành lập ở trên khu phố Hồng Bàng nên phải chia tay với gian nhà ấy cùng anh Vương Văn Bảo. 

Ngôi trường mới của tôi mang tên trường phổ thông cấp hai Đinh Tiên Hoàng vốn có từ thời Pháp thuộc với tên là Collège Henri-Rivière nằm bề thế trên con đường lớn bậc nhất của thành phố Hải Phòng từ thời thuộc Pháp đến ngày hôm nay. Theo lịch sử đường phố Hải Phòng, phố có chiều dài 747m, vỉa hè rộng 5m nằm trong khu nhượng địa đầu tiên, là phố lớn của khu Trung ương thời Pháp thuộc, nay vẫn là một phố có tầm quan trọng trong giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Lúc mới mở gọi là đại lộ Sơn Tây. Có người cho rằng phố này lấy tên một tỉnh thuộc Bắc Bộ, thực ra Sơn Tây là tên con tàu, cùng với tàu Lao Kay do tên lái buôn kiêm gián điệp Pháp Giăng Đuypy (Jean Dupuis) chỉ huy đã xâm nhập trái phép Cửa Cấm để ngược sông Hồng lên Lào Cai sang Vân Nam. Người Pháp đã dùng tên con tàu này để đặt cho tên phố để phô trương sức mạnh của họ. Sau đổi gọi là đại lộ Amiran đờ Bomong (Amiran de Beaumont) tức đại lộ đô đốc Bô Mông.

Sau cách mạng tháng Tám, đại lộ đô đốc Bô Mông đổi tên là phố Nguyễn Thị Minh Khai. Từ năm 1954 mang tên Đinh Tiên Hoàng. Vì vậy trường  Henri – Riviere nay mở lại đổi tên theo tên phố là Đinh Tiên Hoàng.

Trường Hăngri  Riveri thời Pháp thuộc dành cho con trai (nơi con gái học là ecole Henri Riviere ở phố Félix Faux, tên một chính khách Pháp đã giữ chức Tổng thống nước Cộng hòa Pháp từ năm 1895-1899. Trong nhiệm kỳ Tổng thống F.Fô đã thúc đẩy việc bình định Bắc Kỳ và ban hành nhiều chính sách tài chính để xúc tiến việc khai thác xứ Đông Dương thuộc địa một cách quy mô. Nay phố Félix Faux.đổi thành phố Nguyễn Tri Phương và ecole Henri Riviere đổi thành trường câps 1 Nguyễn Tri Phương. Trong thời kỳ tạm chiếm, con trai, con gái học chung ở cả hai trường. Ban đầu học ở nơi này là con em người Pháp, sau đó nhận thêm học sinh Việt Nam, con cái những nhà giàu sang.

Những năm cuối cuộc kháng chiến chông Pháp, binh lính Pháp ở vùng ven biển bị tử vong nhiều, nhà cầm quyền của Pháp đóng cửa trường học Hen ri Riviere chuyển cơ sở trường sang làm bệnh viện dã chiến đưa thương binh ở miền ven biển về đây chữa trị. Họ cũng biến bãi đất rộng lớn phía sau trường thành một nghĩa trang để chôn cất ngay lính và sĩ quan chết do không chữa trị được sang đấy cho tiện.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến