NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 9

 

9.

Sang năm học 1978-1979, lại có chủ trương tách trường cấp 1, 2 trở lại như cũ. Trường cấp 1,2 Nguyễn Tri Phương chỉ còn học sinh cấp 1; trường cấp 1,2 Hồng Bàng chỉ còn học sinh cấp 2. Trong thời gian từ 1974 đến nay, tôi cũng không dạy yên tại một trường mà một đôi năm lại thuyên chuyển trường khác. Khi trường Nguyễn Trãi ở phố Hoàng Văn Thụ giải thể về bên Trại Chuối thì tôi bị điều sang trường câp 1, 2 Hạ Lý 2 năm rồi về trường cấp 1, 2 Việt Hoa 2 năm, sau đó về trường cấp 1,2 Nguyễn Tri Phương. Khi trường cấp 1,2 Nguyễn Tri Phương không còn cấp 1 thì tôi vẫn ở lại trường cấp 2 Nguyễn Tri Phương. Trường cấp 2 Nguyễn Tri Phương và trường cấp 2 Hồng Bàng, nơi tôi ở rất gần, chỉ đi một đoạn năm sáu chục mét rồi băng qua phố Nguyễn Tri Phương là đến nên rất thuận lợi cho tôi trong nhiều công việc.

Năm cậu con trai đầu lòng của tôi đã 14, 15 tuổi, học chuyên toán cấp 3 trên Đại học sư phạm Hà Nội, kỳ nghỉ hè về, hai bố con nhận thấy gian buồng ở của nhà mình quá chật chội, ba đứa em gái cũng đã lớn 11, 9 và 7 tuổi rồi. Mà trước cửa nhà là một dải hành lang chất đầy vôi thầu gạch vỡ cùng đất cát do nhiều năm khu trường xây tạo thêm đã đổ chất đống một vệt dài ra đó. Cuối dãy vôi thầu là một cái bể xi măng khá lớn, diện tích đến 6m2 nằm sát ngay hàng rào sắt bên vỉa hè, một thời mấy thầy dạy sinh vật trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng năm 1962, 1963 đã tổ chức cho học sinh đổ bùn đát vào bể để nuôi lươn  nhưng không thành công nên bỏ hoang. Nay phá cái bể đi và dọn sạch một khu vôi thầu sẽ được một diện tích khá rộng. Nghĩ thế, hai bố con quyết định xắn tay áo ra làm. Nhưng chuyển vôi thầu từ nhà qua sân trường rồi ra vỉa hè thì xa mà vô cùng bất tiện. Vì thế, bố đứng ngoài rào vỉa hè, con ở bên trong xúc đất vào chiếc chậu men hỏng rồi nâng lên cao qua đầu những cái cọc rào sắt nhọn cho bố đón lấy đổ đống bên gốc cây bàng trên vỉa hè.  Cũng may thời kỳ bao cấp, thấy gạch và đất đá vụn chất đống trên vỉa hè, công chính tưởng nhà trường dọn vệ sinh nên thấy đầy thì cho xe đến xúc dọn đi hết ngay. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, dòng dã cả một kỳ nghỉ hè, hai bố con tôi đã tạo được một mặt bằng mong muốn với 20 mét vuông.

Nhưng thời ấy vật liệu để dựng lên một gian nhà đâu có dễ mua được. Hiếm từ cái đinh đến viên gạch, cân xi măng, khúc gỗ. Củi cũng phải mua bằng phiếu chất đốt. Để làm một mảng gác lửng trên căn phòng 8m2 cho cậu con trai có chỗ học và ngủ, tôi đã phải nhờ chồng một cô học sinh cũ làm cửa hàng trưởng của hàng chất đốt ở phố Đà Nẵng giúp bằng cách nhặt hộ các thanh gỗ đã thải ra làm củi rồi gọi tôi đem phiếu chất đốt đến mua những thanh gỗ đó về cưa ghép lại làm sàn gác lửng cho con. 

Giờ có mặt bẳng rồi, muốn dựng một gian nhà bán mái nhỏ để tận dụng hai bức tường đã có sẵ  trước là để làm bếp, sau là để ngủ tạm vào những đêm trời oi bức chỉ còn cách xuống tận Lán Bè mua mấy cây tre nhỏ và một ít nứa về làm cột, vì kèo và làm phên vách che chắn chỗ không có tường sẵn. 

Nhưng xong được cái khung  nhà thì lại không biết  lợp mái bằng cái gì. Thời ấy các nhà dân ở thành phố thường chỉ lợp mái bằng giấy dầu của Liên Xô. Nhưng giấy dầu phải mua phân phối qua bao cửa xin xét duyệt mới có phiếu mua 1, 2 cuộn. Khó khăn là thế nên hầu hết người ta mua để dùng dẫu có muốn mua lại giá cao cũng không mấy ai bán lại. Cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ cách ra chợ Sắt mua những vỏ bao xi măng đã dùng đem về bóc ra từng tờ một rồi kiếm nhựa đường về đun lẫn với dầu hoả, dùng chổi quét lên giấy, xong một lớp thì rắc cát khô lên và quét thêm lớp thứ hai cho dày. Cậu con trai tôi đạp xe đến các cung đường thợ đang sửa chữa, xin hoặc bóc những cục nhựa người ta đổ đi ở một só gốc cây nhựa mang về. Rồi hai bố con hì hụi đun nấu, chế tác giấy lợp nhà. Xem vậy mà cái mái giấy ấy cũng bền phết.

Xong cái mái lại nghĩ đến cái nền. Xi măng hồi đó cũng không bán tự do. Người ta chỉ có thể mua từng cân lẻ ở bên chân cầu Hạ Lý. Ấy là xi măng của những người thợ làm trong nhà máy xi măng tìm cách giấu khéo léo trong quần áo hay trong những cặp lồng cơm đem đi làm hoặc thông đồng với bảo vệ cho mang ra khỏi cổng khi tan tầm. Giá những cân xi măng ấy rất đắt nên người ta chỉ dám mua một hai cân về dùng vào những việc không làm không được. Tôi chợt nhớ hồi sơ tán ở nông thôn, người nông dân đã làm sân phơi bằng trạt. Họ dùng tro bếp trộn với vôi tôi rải ra sân, cán phẳng rồi dùng vồ gỗ cầm tay đập đi đập lại cho mịn chắc. Làm như thế hai ba lớp rồi để nó tự khô dần là có cái nền sân trông vừa sạch sẽ vừa đẹp mắt, mưa không thấm ướt, đi lại dễ dàng, quét tước mau sạch và hữu dụng nhất là dùng để phơi thóc hay phơi thuốc lào khi vào vụ. Nghĩ thế, tôi đi xin xỉ than rồi về trộn với vôi tôi và bắt chước cách làm trạt kể trên  cũng được một cái nền nhà tươm tất.

Năm 1979, người Hoa ở Hải Phòng di tản về Trung Quốc hoặc sang các nước khác. Trước khi đi, họ bán tháo đủ các thứ kể cả nhà dựng bằng gỗ, tre, nứa, lá. Anh Nguyễn Kinh Doanh cán bộ phòng giáo dục có ngôi nhà trong ngõn ở phố Nguyễn Trãi cần sửa lại bèn rủ tôi đi xem ai bán nhà tháo dỡ thì mua chung và tìm được một cái ưng ý. Hai anh em mượn xe ba gác cùng nhau chia đôi mọi thứ kèo cột, tranh vách rồi người kéo người đẩy đem về. Có vật liệu mới, tôi phá căn nhà bằng cũ đi, dựng cột gỗ và tạo gian nhà mới. Giờ thì đã có người bán lại giấy dầu để kiếm lời nên tôi mua được một cuộn về lợp mái. Nhờ đó căn nhà trông sáng sủa hẳn lên.

Năm 1982, tôi có dạy một học sinh tên là Bùi Hải Nam con trai ông Bùi Trường Ninh, trung tá an ninh, trưởng phòng chất pháp sở Công an Hải Phòng. Ông Trường Ninh đã được đi tu nghiệp ở Liên Xô, có nhà riêng của tổ phụ để lại ở dưới miếu Hai Xã. Hàng ngày, ông  đạp xe lên sở hoặc đến nhà tù Trần Phú làm việc nên xin cho con lên học trên khu trung tâm thành phố cho tiện việc đưa đón.

Tôi chưa thấy một cán bộ nhà nước nào cần cù lao động và có ý thức tự lực như ông Trường Ninh. Để tu bổ lại cơ ngơi cũ của tổ phụ để lại, ông đã liên hệ với những người quen chở xà lan cát ven sông gần bến phà Bính đề nghị họ, mỗi khi đã chuyển giao cát xong cho ông xuống vét phần cát đọng ở đáy xà lan. Rồi ông mượn một cái xe ba gác, tan sở một mình kéo xe ra bến hì hụi vét cát đổ vào xe chở về nhà, đều đặn từ giờ tan sở cho đến tối, mỗi buổi được dăm ba chuyến. Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Có cát rồi ông mua vôi sống về tôi rồi mua xỉ than về tự đóng gạch ba banh rồi cũng một mình trộn vữa và tự tay cầm bay xây tường bao rồi xây lại căn nhà chính cao ráo khang trang khiến ai nhìn thấy cũng phải thán phục..

Thấy chỗ tôi ở gần nhà xa ngõ. Chỉ cần phá một lỗ thủng xây trát lại rồi lắp một cánh cửa vào là một bước ra ngay hè phố không phải đi vòng mấy trăm mét qua hành lang sau trường rồi ra sân trường mới ra cổng rất phiền phức nhất là khi có học sinh tập hợp ở sân trường. Bao nhiêu năm ở trong trường tôi cũng đã thấm điều đó và đã từng bị gây khó dễ khi nhà trường nay thay khoá này mai thay khoá khác ở cổng trường. Mỗi lần họ thay khoá lại phải mượn bảo vệ cái chìa đi thuê làm chìa mới mất cả tiền đồng mà thời đó một xu cũng có giá. Ông Trường Ninh hỏi tôi:

- Sao anh không mở một lối ra ngay hè phố đi lại cho tiện?

Tôi trả lời:

- Người ta đang muốn đuổi tôi ra khỏi khu vực nhà trường, sao mà mở được. Mà ngay nhà dân ngoài phố, anh thấy đấy, ai đục phá tường mở cửa là có người báo lên phường ngay rồi công an cũng xuống ngay lập biên bản lôi thôi lắm. Nhà tôi ở trước cửa thành ủy, công an gác 24/24, tôi gan đâu mà dám đục tường mở cổng

- Anh sợ thế thôi chứ bất quá cũng phạt tý tiền là xong. Nếu anh sợ thì để tôi mở cho.

Rồi ông Trường Ninh hẹn ngày chủ nhật tới sẽ làm và bảo:

- Chủ nhật nhà trường nghỉ học không ảnh hưởng gì tới học sinh. Mà ban giám hiệu cũng không ai đến trường mà nhòm ngó. Thứ hai thì mọi việc đã xong, họ cũng chỉ báo cáo lên trên là cùng. Nhà anh sẵn có thừa một cánh cửa ra làm từ thời Tây, cũ nhưng tôi nom gỗ còn tốt lắm. Anh chuẩn bị cho tôi ít vôi cát và một hai cân xi măng là được.

Nói là làm. Sáng chủ nhật ấy, ông Trường Ninh đạp xe lên nhà tôi từ sớm mang theo đầy đủ búa, đục, bay, bàn xoa...

Thấy ông vẫn mặc bộ quần áo hàm trung tá, tôi hỏi:

- Sao anh không mặc quần áo ngắn cho mát và khỏi bẩn

Ông nói:

- Tôi mặc thế này để chú công an gác cổng bên thành ủy trông thấy khỏi sang hạnh họe hoặc báo cáo lên phường.

Rồi ông bắt tay vào công việc một cách rất thành thạo. Tôi chỉ là người phụ việc xúc dọn gạch vỡ, lấy vôi cát xi măng và nước.

Đến quá trưa thì xong việc. Một cánh công gỗ đã được lắp đặt mà theo ông Trường Ninh nói chỉ sáng mai  là có thể mở ra đóng vào được.

Quả nhiên sáng hôm sau, ngày thứ hai, ông hiệu trưởng trường cấp 2 Hồng Bàng nhìn thấy cảnh ấy. Nhưng ông ta không nói gì với tôi mà chỉ lẳng lặng vào văn phòng bảo văn thư thảo văn bản báo cáo và kiến nghị đưa ông ký đóng dấu rồi cấp tốc gửi lên Ủy ban nhân dân quận. 

Sáng thứ ba thì tôi nhận được giấy mời lên làm việc với ông trưởng phòng giáo dục.  Ông ta nói, UBND quận nhận được đơn của trường cấp 2 Hồng Bàng tố cáo tôi mở cổng trái phép nay giao về phòng giáo dục điều tra và xử lý. Dạo ấy, phòng giáo dục cũng đang đóng trên đất thuộc khu trường Hồng Bàng nên ông trưởng phòng cũng đã xem qua chỗ tôi đục phá. Rồi ông hỏi tôi, ai cho phép đục tường làm cổng ra vào và nói nhà trường đề nghị đóng lại như cũ để phòng trộm cắp vào từ phía sau trường.

Tôi trình bày mọi sự bất tiện khi cả nhà tôi phải qua lại lối cổng trường rồi nói:

- Nếu có trộm cắp thì chúng sẽ vào nhà tôi trước tiên chứ sao vào ngay nhà trường được.

Ông trưởng phòng này nguyên là một giáo viên vào nghề dạy học cùng thời với tôi nhưng được đào tạo chính quy trong trường sư phạm, đã nhiều năm dạy ở ngoại thành nay được đề bạt lên trưởng phòng giáo dục quận xem ra có phần thông cảm với tôi. Ông nói:

- Ngày trước tôi dạy trường nào cũng đều ở trong trường ấy, khi thì một mình khi thì có cả vợ con nhà nên tôi  rất thông cảm với hoàn cảnh của đồng chí. Sự việc đã thế rồi, để tôi trao đổi lại với trường và báo cáo lên uỷ ban. Có điều đồng chí nên rút kinh nghiệm, lần sau làm việc gì mà dính dáng đến nhà ở trong trường nên hỏi  qua họ một câu.

Tôi cám ơn ông ra về. Từ đó nhà tôi có cổng ra phố và trở thành nhà mặt tiền rất tiện cho mọi việc sinh hoạt của gia đình và cho việc các phụ huynh học sinh của hai vợ chồng đến thăm thầy cô giáo để hỏi han về tình hình học tập và hạnh kiểm của con họ ở nhà trường.

Để tiện cho việc nhận các giấy tờ, thư tín và các giao dịch với mọi người, tôi tự tay sơn kẻ một tấm biển số nhà, căn cứ vào số 4 là địa chỉ  trường cấp 2 Hồng Bàng, tôi ghi số 4B là địa chỉ nơi gia đình tôi ở.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến