NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 4

 

4.

Ngày đầu tiên tôi đến trình công lệnh cho ông hiệu trưởng Lê Văn Thế, ông hỏi tôi đã có chỗ ở chưa, tôi đáp chưa thì ông bảo:

- Đợi anh chị em về đông đủ thì nhà trường sẽ phân chỗ ở cho mọi người. Đồng chí là người về đầu tiên lên tầng hai khu B ở tạm trong phòng lớn đầu cầu thang ấy. Nghe nói phòng này xưa là nơi hiệu trưởng làm việc đấy.

Tối hôm đó, sau khi ăn cơm mậu dịch xong, tôi đi chơi loanh quanh phố xá một lúc thì về căn phòng đó để ngủ. Đó là một căn phòng rộng hơn 30m2, sàn gỗ, có lò sưởi kiểu ống khói thông lên trên trời, có cửa kính mở lối ra một hành lang nền lát gạch hoa nhìn xuống phố Nguyễn Tri Phương. Tôi trải chiếu xuống sàn gỗ, mắc màn rồi chui vào nằm nhưng lạ nhà lại một mình trong cả khu trường vắng lặng, tôi không sao chợp mắt được. Thấy thế, tôi chui ra khỏi màn, mở cửa kính đi ra hành lang mở cửa sổ nhìn xuống phố Nguyễn Tri Phương xem cảnh vật ra sao để chờ cơn buồn ngủ sẽ đến. Nhưng đường phố Nguyễn Tri Phương cũng vắng lặng không một bóng người qua lại Dạo đó dân sống trong nội thành Hải Phòng rất ít, chỉ mấy con phố người dân vừa ở vừa mở cửa hàng buôn bán mơi đông đúc như phố Cầu Đất, Phan Bội Châu…Khu trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng thuộc khu phố tây cũ hầu hết là cơ quan hành chính và công sở lớn với 2 trường học nên sau giờ làm việc rất ít người và xe cộ qua lại. Đôi lúc, một làn gió từ phía Cảng thổi vào làm mấy cái chụp bóng đèn quả lê khẽ chao đi chao lại và mấy lùm cây đang âm thầm trong ánh sáng điện vàng úa cũng run lên xào xạc. 

Buồn buồn, tôi nhìn xuống hai cánh cửa chớp gỗ và bỗng giật thót tim khi thấy một ngón tay khô quắt dắt trong khe chớp dưới cùng của một cánh cửa. Sau giây lát, tôi nhớ ra đây một thời là bệnh viện dã chiến nên có cái ngón tay khô quắt ấy cũng là điều có thể hiểu được. Tuy vậy trong lòng tôi cũng gợn lên một nỗi sợ viển vông với hình  hình ảnh ma quỷ đang lởn vởn quanh khu trường hoang vắng. Vừa hay lúc đó vẳng tiếng cú rúc đêm từ bên kia nghĩa địa vọng về.

Để xua di nỗi sợ mơ hồ đó, tôi cuốn màn chiếu lại, đi xuống cầu thang sang khu A là khu lớp học, tìm một phòng sát với khu nhà ở của một số cán bộ thành ủy trong đó có ông bí thư, rồi kê 4 cái ghế băng ra làm giường, mắc màn và đi ngủ giống như những ngày đầu về trường Tiền Phong hai năm trước.

Ngày hôm sau, khi xong buổi họp hội đồng đầu tiên, ban giám hiệu họp tiếp với các giáo viên chưa có chỗ ở. Số này cũng khá đông vì họ đều từ các trường học sinh miền Nam nay chuyển về Đông Triều cho xa thành phố để tránh gây rối bất ổn như một số trường trên Hà Đông đã xảy ra. Phần lớn họ cũng đều có gia đình và hầu hết là cả hai vợ chồng cùng là giáo viên. Tôi chưa vợ con nên được xếp ở chung với anh Thân Văn Tranh và anh Nguyễn Quang Đào trong căn phòng gác hai khu nhà B tối qua. Anh Thân Văn Tranh, thương binh cụt một chân trong chiến dịch Điện Biên Phủ nay được lắp chân giả do Cộng hoafdaan chủ Đức viện trợ. Anh Tranh người huyện Thanh Hà, Hải Dương, vợ và con gái nhỏ ở quê. Anh Nguyễn Quang Đào hơn tôi 3 tuổi, người Nghệ An cũng chưa lập gia đình.

Tôi kể cho hai anh nghe chuyện tôi nhìn thấy ngón tay người khô quắt tối hôm qua rồi chỉ cho hai anh thấy ngón tay đó. Anh Thân Văn Tranh bảo tôi, vậy thì cậu nhặt nó ra gói vào một tờ giấy đem sang bên ngĩa địa đào một cái lỗ nhỏ chôn nó xuống đấy để của ai thì vong linh người đó nhận lại. Tôi làm theo lời anh rồi về bảo cả hai anh Tranh và  Đào

- Hai anh ngủ trong phòng sàn gỗ để em ngủ ngoài hành lang vì em hay đọc sách khuya sợ làm ảnh hưởng đến hai anh.

Cả hai anh cùng nhất trí với tôi. Thế là tôi lau dọn sạch hành lang chọn đầu bên phải làm nơi ở mới. 

Sáng hôm sau, công đoàn trường thông báo, trường học sinh miền Nam số 19 Cầu Rào giải thể, có một số giường cũ của học sinh nay giao lại cho công đoàn sở bán phân phối cho giáo viên các trường, ai mua thì đăng ký, 8 đồng một cái, không phân biệt giáo ở trong trường hay có nhà ở ngoài phố. Tôi, anh Tranh và anh Đào đăng ký nộp tiền mua mỗi người 1 cái,  Ngay chiều hôm đó người của công đoàn trường cho xích lô chở giường về giao cho mọi người. Tôi đưa giường lên hành lang, lắp ghép rồi kê vào một góc. Đúng là giường một, không thể hai người nằm chung vì chiều dài giường có 1,8m, chiều rộng đúng 80 phân!

Năm sau phòng tôi ở có thêm hai giáo viên mới ra trường: anh Lê Minh Phượng người Hưng Yên dạy môn thể dục, anh Nguyễn Đình Quyết, quê Đồ Sơn cháu gọi ông đương kim giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng Hoàng Xạ bằng bác (mẹ anh Quyết là em gái ông Xạ). Căn phòng sàn gỗ giờ thêm hai giường, vậy là 4 góc 4 giường còn tôi vẫn ở ngoài hành lang. Không khí trong phòng giờ vui hẳn lên. Sáng dậy thể dục cả 5 anh em đều xuống sân trường tập. Tập xong, trừ anh Thân Văn Tranh đi một chân gỗ , 4 anh em lại vào tắm chung trong một phòng tập thể rộng có bể nước công cộng khá to. Trưa chiều thì, những ai  không phải dạy dạy tiết cuối lại cùng nhau ra ăn cơm ở Nhà ăn tập thể số 3 của thành phố ở cùng phố cách trường chỉ vài trăm mét. Tối đến thường 5 anh em ngồi quanh 4 cái giường chuyện trò với nhau đủ các đề tài trước khi đi ngủ.

Ba năm sau, 1965 tôi lấy vợ, một công nhân xưởng chế biến nhà máy cá hộp Hạ Long. Nhà trường bố trí cho tôi một căn phòng nhỏ rộng 8m2 ở bên khu A để hai vợ chòng được ở riêng cho tiện.   Căn phòng 8m2 nhỏ bé này nguyên là nơi đi tiểu hồi trường làm bệnh viện dã chiến, nay tu chỉnh lại và phân cho cô giáo Đào Phương Nga dạy Toán và sinh vật ở. Cô Phương Nga có một con gái mới Gần một tuổi, chồng cô đang du học ở Liên Xô. Cuối hè năm 1964, anh ấy về nước được công tác và phân nhà trên Hà Nội nên đã đón vợ con lên trên đó vì thế căn phòng này tạm bỏ không đã mấy tháng.

Căn phòng tuy chỉ có 8m2, dài 4m rộng 2m nhưng cũng được ngăn ra thành 2 ô nhỏ thông nhau ở giữa, mỗi ô rộng 4m2, có cửa gỗ mở lối đi xuống hành lang ngoài trời khá rộng chạy dài hết phía sau của trường coi như một con đường dẫn ra sân trường rồi từ sân trường ra cổng trường và ra hè phố. Vợ chồng tôi kê cái giường ba xà vào ngăn trong. Đó là cái giường được mua phân phối theo giấy đăng ký kết hôn mất 36 đồng 5 hào, dài 1,9m rộng 1,5 mét nên vừa gần kín hết cái ô 4m2.  Ô 4m2 bên ngoài, tôi kê cái giường một đem từ phòng ở tập thể khu B xuống. Hai giường cách nhau không đến 2m nên còn chỗ đặt một cái bàn nhỏ mượn nhà trường để làm việc.

Tháng năm 1965, tôi cùng anh Lê Minh Phượng và anh Nguyễn Đình Quyết phải nhập ngũ. Căn phòng nhỏ bé đó chỉ còn lại một mình vợ tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. 

Chúng tôi được đưa lên Hải Dương, tập trung trong doanh trại của trường Quân chính quân khu Ba để huấn luyện tân binh.Tôi thực sự không hiểu sao khu đội lại gọi tôi  nhập ngũ vì khi đi khám sức khoẻ họ đã ghi tôi bị cận thị, phải đeo kính cận số 3,5 và tôi khai đã đeo từ năm 15 tuổi, bắt đầu học trung học. Vì vậy, khi một sĩ quan trung tá ở quân khu Ba về kiểm tra tân binh, thấy có một lính mới đeo kính đứng trong hàng ngũ, ông ta đã gọi tôi lên và nghiêm khắc hỏi:

- Ai cho phép đồng chí đeo kính trắng khi đứng trong hàng ngũ?

Tôi đáp vì tôi bị cận thị phải đeo kính từ hồi còn đi học nhưng ông ta không tin cho gọi viên chuẩn uý phụ trách huấn luyện lên hỏi. Anh này nói trong lý lịch sức khoẻ tân binh của tôi đã xác nhận đúng như thế chứ không phải tôi vô kỷ luật. Vì vậy, xong ba tháng huấn luyện tân binh, anh Phượng và anh Quyết cùng đồng đội tiếp tục lên Hoà Bình để đi B còn tôi thì được gọi lên ban chỉ huy đóng ở bến đò Hàn thuộc  xã An Châu, huyện Nam Sách bên kia sông Thái Bình. Vẫn viên trung tá về kiểm tra huấn luyện tân binh hôm nọ nói với tôi:

- Đơn vị mới của chúng ta đang chuẩn bị vào B chiến đấu nhưng xét thấy sức khoẻ của đồng chí phải đeo kính cận, không đảm bảo công việc ở chiến trường. Vì vậy lãnh đạo quyết định cho đồng chí thoái ngũ.

Tôi nói:

- Tôi đã nhập ngũ, đã là người lính rồi, không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận được thì các đồng chí cho tôi làm việc gì trong quân đội tôi cũng chấp hành.

Viên trung tá nói:

- Giờ đang thời chiến, cần nhất người cầm súng ra trận thôi. Mà bên giáo dục cũng có công văn yêu cầu trả về một số giáo viên cho họ vì đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, các trường học chỉ sơ tán về nông thôn chứ không có đóng cửa. Đồng chí cứ chấp hành quyết định tôi vừa nói. Ngay sáng mai, khi tiễn đưa đơn vị chuyển lên Hoà Bình xong thì đồng chí sang đây lấy giấy tờ thoái ngũ.

Tối hôm đó tôi và một số anh em không phải chuyển quân cùng với anh chị nuôi thức suốt đêm kẹp thịt lợn rán vào bánh mì làm lương ăn cho anh em sáng hôm sau lên đường. Tôi gặp riêng anh Lê Minh Phượng và anh Nguyễn Đình Quyết cùng mấy anh em khác mới kết thân với nhau từ hôm nhập ngũ ở Hải Phòng, chuyện trò đôi lời và chúc họ lên đường bình an may mắn. Khi họ lên đường ra ga Hải Dương thì tôi sang bên kia sông lấy giấy tờ rồi chờ tối cũng ra ga đợi tàu về lại Hải Phòng.

Dạo ấy, miền Bắc đã vào thời chiến tranh phá hoại bởi Mỹ đã ném bom ở cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thuỷ từ ngày 5/8/1964 rồi lại ném bom ở thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ ngày 7/2/1965 nên xe lửa đi đêm rất chậm. Từ Hải Dương về Hải Phòng có hơn 40km mà mất tới 5 tiếng đồng hồ nên khoảng 1 giờ đêm tôi mới về đến trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng. Tôi thấy phòng trực bên gốc cây sung già ở cổng trường đóng cửa tối om và không khói bên trong khu trường im ắng lạ thường nên đoán mọi người đang ngủ say. Không dám gọi ai, tôi đành phải trèo qua hàng rào sắt làm từ thời Pháp vào bên trong rồi đi qua sân trường vòng vào lối hành lang ngoài trời phía sau để về căn phòng 8m2 của mình. Trong phòng, vợ tôi cũng đã ngủ. Tôi khẽ gõ cửa và thấy cô ấy tỉnh giấc rồi cất giọng sợ hãi hỏi:

- Ai đấy?

- Anh đây! – Tôi khẽ đáp.

- Có thật không?

- Thật mà.

- Sao anh lại về giữa đêm hôm thế này?

- Anh được thoái ngũ về hẳn rồi.

- Em không tin, hay là anh trốn đơn vị?

- Thì em cứ bật đèn lên cho anh vào đã rồi nói chuyện sau.

Vợ tôi bật đèn mở cửa rồi chúng tôi ôm chặt lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Vậy là tôi đã trở về với người vợ yêu dấu và căn phòng nhỏ bé 8m2 của mình.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến