NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 6

 

6.

Gần vào năm học 1968-1969, cả hai vợ chồng tôi nhận được quyết định về dạy tại trường cấp hai xã Nhân Hòa, cách huyện 4km. Thế là lại một lần dọn nhà. Tiếng là không có tài sản gì nhưng cũng có một cái giường tre anh Vũ thiết kế cho, mấy túi quần áo, hai cái hòm gỗ đựng gạo và bột mì cho chuột khỏi ăn phá, máy cái nồi soong, bát đũa và cả chỗ than mua phân phối chưa dùng hết. Ngần ấy thứ đâu dễ chuyển hết bằng xe đạp. Mà đường từ Cộng Hiền lên Nhân Hòa cũng cả chục cây số. Thấy thế, Nguyễn Văn Lạnh, một em học sinh lớp 5B tôi chủ nhiệm năm vừa rồi nhanh nhảu nói:

- Con mương phía sau trường cấp 1 này tên là mương Cống Đồng chảy qua một cánh đồng lên tận xã Nhân Hòa.  Em sẽ vào thôn mượn một cái thuyên rồi bảo thêm bạn Vĩnh chở hết một chuyến theo mương lên Nhân Hòa cho thầy cô.

- Được vậy thì tốt quá. Thầy sẽ chở thuyền cùng các em.

Hôm sau, tôi cùng Lạnh và Vĩnh xếp hết đồ đạc lên thuyền rồi ba thầy trò chở đi. Nhiều chỗ nước nông, cả ba thày trò phải xuống thuyền, tôi kéo mũi hai trò đẩy đuôi cho thuyền đi qua và rồi cũng tới được con mương chảy sau khu trường Nhân Hòa sơ tán.

Khu đất trường Nhân Hòa sơ tán nằm bên cạnh chùa thôn Mai Sơn. Nhà trường mượn gian ngoài của chùa ngăn làm hai lớp học và dựng thêm 3 phòng tường đát mái rạ bên ngoài một cánh ruộng cách chùa chừng gần hai  trăm mét rồi dựng hầm chữ A và trồng chuối xung quanh ngụy trang che lớp học.

Trên cánh ruộng sát ao chùa, nơi có con mương làng chảy qua, một dãy nhà 5 gian nhỏ cũng tường đất mái rạ được dựng lên làm nơi ở cho các giáo viên không phải người trong xã. Vợ chồng tôi được phân một gian, một gian cho 2 cô giáo trẻ cũng mới ra trường còn mấy gian kia dành cho mấy thầy giáo người Thái Bình. Vì là nhà cho giáo viên nên gian nào cũng có sẵn một chiếc giường đôi. Tôi kê thêm chiếc giường tre anh Vũ Thiết Kế cho vào nữa, thế là nhà có hai giường, hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ có chỗ nằm ngủ rộng rãi chán.

Vợ chông tôi và hai đứa con nhỏ sống trong gian nhà này tròn hai năm học: 1968-1969 và 1969-1970. Chúng tôi rất vui vì được học sinh và cha mẹ các em rất quý trọng. Thật cảm động khi Tết đến, vào ngày mồng hai mồng ba, các em học sinh cùng bố hoặc mẹ đến chúc tết thầy cô giáo. Bố hoặc mẹ đi trước, con theo sau, tay cầm một gói nhỏ thường là mấy quả cam hay buồng chuối của nhà trồng được biếu Tết thầy cô. Học sinh Nhân Hòa rất hiếu học mà cha mẹ các em cũng rất tích cực đóng góp công sức xây dựng nhà trường. Khi cần thiết họ đề nghị chủ nhiệm HTX cho nghỉ việc đồng áng để tập trung sửa sang hầm trú ẩn hay đem rạ mới ra trường lợp lại mái cho các lớp học.  Có những người đêm đi kéo vó được cá tôm ngon, sáng về sẻ ra một ít đem cho thầy cô. Gia đình nào cân lợn cho HTX mua bán, được phát tem phiếu mua thịt lợn cũng cho thầy cô một hai cân... Tôi chuyên dạy lớp 7cuối cấp để luyện thi tốt nghiệp cho các em đạt tỷ lệ cao nhất. Nhà tôi năm đầu dạy lớp Năm đầu cấp năm sau theo lên dạy lớp 6 cũng được các em học sinh rất quý trọng, đặc biệt là các em nữ sinh. Mỗi khi cô giáo phải đi họp xa hay đi học chuyên môn chính trị ở các trường xã khác, các em đều rủ nhau ra nhà cô trông nom bế ẵm em bé cho cô yên tâm công việc. Tối tối, luôn có cả chục em lớp của thày và lớp của cô đem đèn đến phòng học  gần nhà thày cô học bài, không hiểu gì lại xuống hỏi thày cô. Mấy em con trai lớp 7 còn không về nhà mà mắc màn ngủ ngay trên lớp học và bảo để đêm tối có việc gì xảy ra với thầy cô chúng em sẽ có mặt kịp thời.  

Đêm giao thừa năm Canh Tuất 1970, vợ tôi sinh đứa con thứ ba, con gái được đông đủ các bà các co bác trong xóm tới thăm và lại được các em học sinh nữ nhiệt tình giúp đỡ vì con gái thứ hai của cô giáo mới được 1 năm rưỡi tuổi.

Hai năm dạy ở Nhân Hòa là hai năm vui nhất trong 4 năm xa thành phố của vợ chồng tôi. Đến nỗi đã có lúc tôi bàn với vợ mua một căn nhà ở trong thôn Mai sơn để ở, sau này hết chiến tranh không về thành phố nữa. Nhưng đúng là ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau khi Mỹ  tuyên bố chấm dứt ko điều kiện chiến tranh phá hoại lần một ngày 1/11/1968, hè năm 1970, các trường học trong nội thành bắt đầu được mở lại. Vợ chồng tôi được điều về thành phố.

Bây giờ các trường cấp hai không do sở giáo dục quản lý trực tiếp như trước mà giao về cho uỷ ban nhân dân khu phố, trực tiếp điều hành là phòng giáo dục. Vợ chồng tôi về khu phố Hồng Bàng dưới sự chỉ đạo của phòng giáo dục khu phố. Chúng tôi lại về căn nhà 8m2 cũ. Nhưng nay trường cũ không còn mang tên trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mà là trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng số 4 phố Đinh Tiên Hoàng.Trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mới được thành lập tại trường Dân Chính ở phố Nguyễn Đức Cảnh bên bờ sông Lấp. Ông Đoàn Ngọc Lung hiệu trưởng cấp hai Đinh Tiên Hoàng trước đây ở lại huyện Thuỷ Nguyên làm trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng mới là bà Vũ Thị Kim Trâm, người miền Nam tập kết ra Bắc sau 1954.

Gia đình một số giáo viên đã sơ tán theo trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng sang xã Đông Sơn huyện Thuỷ Nguyên trở lại thành phố, một số được phân nhà ở các khu tập thể mới như An Đà, Cầu Tre, một số hoặc thuê được nhà của nhà nước ở ngoài phố, số còn lại hầu hết về lại trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mới thành lập và đều được xếp chỗ ở trong trường mới, những căn phòng nhỏ hoặc những khu nhà vệ sinh nay sửa sang lại.

Trong khu trường cấp 2 Đinh Tiên hoàng cũ nay là trường cấp 1 chỉ còn có gia đình ông bà Nguyễn Viết Tần – Nguyễn Thị Mùi, gia đình anh Lê Kỳ-Lê Kim Dung, gia đình bà Tô Thị Oanh-Hoàng Ngọc Khánh và gia đình tôi vì những năm sơ tán, ông Tần đi theo Sở, bà Mùi trước làm lao công của trường sang làm thủ quỹ cty nhà đất, bà Tô Thị Oanh theo trường sơ tán sang Thủy Nguyên nay điều về khu phố Ngô Quyền còn ông Khánh vẫn ở trong nội thành làm việc ở cty vận tải đường sông; vợ chồng anh Lê Kỳ chỉ có chị Dung về dạy trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mới còn anh Lê Kỳ và hai vợ chồng tôi đều phải về trường cấp 2 Xi Măng dành cho con em các gia đình sống ở khu nhà máy xi măng bên kia cầu Thượng Lý nhưng bên đó chưa có trường nên UBND khu phố tạm lấy cơ sở cũ của trường dòng Saint Dominique trước cửa nhà thờ chính toà trên đường Hoàng Văn Thụ cho trường cấp 2 Xi Măng mượn. Sau học kỳ 1, vợ tôi điều về trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng còn tôi và anh Lê Kỳ thì hết năm học sang một trường mới mở là trường cấp 2 Nguyễn Trãi khi trường cấp 2 Xi măng về bên Thượng Lý trả lại cơ sở cho trường cấp 2 Nguyễn Trãi mới mở thêm này. Ngoài bốn gia đình trước là thành viên của trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng cũ, khu trường nay có thêm mấy người của cty lương thực như anh Lê Tử Kỳ, anh Trần Quang.

Hiệu trưởng trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng tỏ ra rất khó chịu khi trong khu trường có một số gia đình ở. Họ làm công văn gửi lên ủy ban nhân dân khu phố Hồng Bàng đề nghị đưa chúng tôi ra bên ngoài. Ủy ban nhân dân giao cho phòng giáo dục giải quyết. Nhưng họ gặp sức cản của một số gia đình mà họ không thể tháo gỡ được. Trước hết là mấy người của cty lương thực như anh Kỳ anh Quang không thuộc quyền quản lý của bên giáo dục. Thứ hai là gia đình ông Tần bà Mùi, nguyên khi làm thủ quỹ cty nhà đất bà Mùi đã rất khôn ngoan xin được giấy của sở cho gia đình bà thuê căn phòng đang ở trong trường. Thứ ba là gia đình bà Oanh ông Khánh. Tuy bà Oanh đã điều về khu phố  Ngô Quyền không còn dạy ở khu phố Hồng Bàng nữa nhưng ông Khánh chồng bà Oanh là cán bộ miền Nam tập kết công tác ở cty vận tải đường sông cũng không thuộc diện bên giáo dục quản lý. Chỉ còn 2 gia đình là giáo viên thuộc quyền quản lý của phòng giáo dục Hồng Bàng là gia đình tôi và gia đình anh Lê Kỳ. Vì vậy hai gia đình chúng tôi đã mấy lần bị ông trưởng phòng giáo dục gọi lên yêu cầu dọn ra khỏi trường. Chúng tôi đều nói, đây là nhà do trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng cũ phân cho chúng tôi ở từ 1962 chứ không phải do chúng tôi chiếm dụng. Nếu muốn chúng tôi dọn đi xin cấp trên phân cho nhà khác chứ chúng tôi không biết dọn đi đâu cả. Lần cuối cùng, ông trưởng phòng đe doạ:

- Nếu các đồng chí không chịu tự tìm nhà dọn ra khỏi trường, chúng tôi sẽ đình chỉ công tác giảng dạy.

Tôi thẳng thắn nói:

- Cái đó thuộc quyền của đồng chí. Chỉ đề nghị phòng ra văn bản đình chỉ công tác và nêu rõ lý do cụ thể, có chữ ký và đóng dấu, chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Còn việc nhà ở như chúng tôi đã nói, chúng tôi không chiếm dụng và cũng không có khả năng tự tìm chỗ ở mới.

Kết cục chẳng có văn bản nào dám đình chỉ công tác của tôi và anh Lê Kỳ và rồi cũng không thấy ai động thêm nữa. Chúng tôi vẫn ở lại nơi mình đã được trường cũ cấp mặc dù nay trường đó không còn nữa.

Nhưng thật lấy làm lạ, bà hiệu trưởng cùng ban giám hiệu trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng đã ra công tìm cách đuổi những gia đình đã ở trong khu nhà trường vốn đã trở thành vấn đề lịch sử của trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng cũ thì ít lâu sau, chính họ lai cho anh Phạm Vĩnh Tuế cùng vợ là chị Trần Thị Kiên về ở trong trường. Họ cấp cho hai vợ chồng nhà này căn phòng nhỏ dưới chân cầu thang lên tầng 2 ở khu A. Căn phòng này năm 1962 trường cũ cấp cho vợ chồng ông Vũ Bá Ngạc, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội khối chiều được ở.  Khi sơ tán năm 1965, ông Vũ Bá Ngạc được điều lên dạy trường cấp 3 Bổ túc văn hoá ở huyện Vĩnh Bảo, bên cty lương thực cấp 1 lấy phân cho một cô kế toán của cty. Nhưng ba năm sau, cô kế toán bị kỷ luật vì có chồng đi B mà ở nhà quan hệ với một anh cùng cty, có con với anh ấy. Kết cục, anh ấy cũng bị đẩy ra chiến trận nốt còn cô kế toán thì phải chuyển công tác. Sau khi sơ tán đợt 1 về, gia đình ông Ngạc được cấp căn hộ ở khu tập thể An Đà nên không về lại căn phòng đó nữa. TRường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng cấp căn phòng đó cho vợ chồng ông Tuế vì họ đều là giáo viên của trường và ông Tuế còn thêm chức là bí thư chi đoàn trường nữa!

Trở lại ngày đầu ở Nhân Hoà về thành phố, gia đình tôi đâu đã được vào ngay căn nhà cũ của mình mà phải gay gắt đòi ông Hoàng Ngọc Khánh trả lại nhà. Nguyên do, mấy năm vợ chồng tôi sơ tán, ông Khánh đã mở thông cánh cửa gỗ ngăn phòng nhà ông với phòng nhà tôi, lấy phòng nhà tôi làm bếp đun nên trong phòng bộn bề củi và các đồ dùng nhà bếp, các bức tường đều bị ám khói và bị bôi bẩn đầy dầu mỡ…Vậy mà ông Khánh cũng không chịu trả lại ngay khiến tôi phải trực tiếp nói chuyện với bà giáo Oanh, vợ ông ấy. Bà Oanh tỏ ra biết điều hơn ông chồng tập kết, bảo ông Khánh:

- Nhà của cô chú ấy thì phải trả cho cô chú ấy. Bây giờ cô chú ấy có 3 con nhỏ, không trả thì người ta biết sống ở đâu. Nhà mình chỉ có 2 con lại rộng gấp đôi nhà cô chú ấy, đun nấu thì chịu khó xuống khu bếp chung ở cuối trường cũng được.

Ông cán bộ tập kết phải nghe lời vợ, dọn hết củi và đồ dùng ra khỏi căn phòng của tôi rồi mặc hai vợ chồng tôi bò ra mà rửa ráy lau chùi từ tường xuống nền nhà. Thời ấy muốn quét vôi lại cũng không dễ mà xà phòng bánh Liên Xô bán phân phối từng nửa bánh một nhưng vợ chồng tôi cũng đành phải lôi xà phòng ra kỳ cọ cho sạch nhà sạch cửa rồi kê giường, trải chiếu.

Giờ đây căn phòng của gia đình tôi vẫn chỉ có 8m2 nhưng số người ban đầu chỉ có 2 vợ chồng nay đã thêm 3 đứa con thành 5 người. Nhưng đúng là ăn hết nhiều chứ ở hết mấy và khéo ăn thì no khéo co thì ấm. Vợ tôi và hai đứa con gái nhỏ, một lên hai, một mới sinh được hơn 6 tháng ngủ trên chiếc giường ba xà hồi chúng tôi cưới nhau. Tôi và thằng cu lớn 5 tuổi ngủ trên chiếc giường một.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến