NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 7

 

7.

Sau học kỳ 1 năm học 1971-1972, vợ tôi phải đi học bồi dưỡng chuyên môn tại trường sư phạm trung cấp lúc này đã dời từ xã Cộng Hiền huyện Vĩnh Bảo sang xã Tiên Minh huyệnTiên Lãng. Ở nhà chỉ có 4 bố con tôi.

Trong hoàn cảnh ấy thì,  đêm 9 rạng ngày 10 tháng 4 năm 1972,  không lực Hoa Kỳ bắt đầu huy động máy bay B-52 ném bom khu vực Vinh - Bến Thủy. Mọi người bắt đầu bàn tán về chiến tranh khi không quân Mỹ bắt đầu đánh lấn ra ngoài vĩ tuyến 20. Thỉnh thoảng, đã nghe tiếng ỳ ầm từ mạn tỉnhThái Bình vọng về mà không biết đó là tiếng bom hay tiếng sấm đầu mùa nữa. Vì vậy, khi không có mặt ở nhà, tôi luôn dặn thằng cu lớn lúc này đã lên 7, cho hai em chơi ở ngoài sân trường gần các hầm trú ẩn để khi có báo động thì có thể nhẩy xuống được và dặn con phải bế em bé cẩn thận vì nước mưa đầu mùa chảy xuống hầm đã ngập trên mắt cá chân. Đồ đạc trong nhà cũng bắt đầu được gói ghém, cho gọn nhỏ lại...  

Đêm 14/04 , bốn bố con tôi đang ngủ thì còi báo động vang lên. Đèn điện các nơi vụt tắt hết. Tôi vội bế đứa con bé mới 2 tuổi và dắt hai anh chị nó chạy ra dẫy hầm tập thể xây gần nhà nhất. Vì không nghe thấy tiếng máy bay nên tôi không cho các con xuống hầm ngay mà ngồi trên bờ miệng hầm cùng mọi người cũng đang trực bên miệng các hầm khác trò chuyện. Được một lúc thì còi báo yên vang lên, đèn lại sáng và mọi người lại rục rịch về phòng ngủ. Một đêm trôi qua yên bình.  

Nhưng tầm 2 giờ sáng ngày 16 tháng 4, không lực Hoa Kỳ bất ngờ tổ chức một trận đánh quy mô vào Hải Phòng. 

4 bố con tôi đang ngủ thì còi báo động vang lên. Tôi vội gọi chúng dậy, tay phải bế đứa con nhỏ, tay trái dắt chị nó còn thằng anh lớn bám theo, men tường mấy lớp học chạy ra khu hầm trú ẩn ngoài sân trường.  

Vì trường ở trung tâm nên nhìn bao quát được gần cả thành phố. Lạ một cái là không ai biết sợ. Tất cả đã xuống hầm nhưng đều nhô đầu ra phía cửa hầm để xem bom đạn thế nào rồi lần lượt hét to lên bảo nhau: Nó đánh bến Bính rồi, nó đánh An Dương rồi...Tiếng bom dậy đất nhưng khu vực trung tâm vẫn chưa bị đụng tới. Chỉ đến khi lửa Sở dầu bên Quán Toan bắt đầu cháy rực một góc trời thì ai nấy cuống lên chui tụt hết vào trong hầm. Bỗng có tiếng ai đó vang lên, B52 nó thả bom đấy. Những căn hầm bắt đầu thấy rung lắc và nghe thấy tiếng bom rền rít trên bầu trời từ phía bên kia khu Thượng Lý. 

Rồi thì trời rạng sáng và còi báo yên cũng vang lên. Bọn tôi lên khỏi hầm, nhìn ra ngoài đường phố Đinh Tiên Hoàng thì thấy hàng đoàn người từ phía bến Bính, từ bên kia cầu Hạ Lý bắt đầu tản cư, đi bộ dọc theo phố về phía nhà hát Lớn để ra mấy thôn mạn Đằng lâm Đằng Hải ven đô trú tạm.

Tôi đưa ba đứa con vào nhà cho chúng ăn sáng rồi bảo chúng có buồn ngủ thì ngủ tiếp đi, nghe còi báo động thì dậy ngay theo bố ra hầm nhé.

Quả nhiên, tầm 8-9 giờ sáng thì còi báo động lại vang lên. Loa truyền thanh ngoài phố lại thông báo có máy bay địch. Tôi lại đưa các con ra hầm. Vừa chui xuống hầm thì nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú vang trời hòa trong tiếng đạn cao xạ của ta nổ liên hồi. Bỗng nghe tiếng “ầm” rầm trời bên tai và thấy căn hầm như chao đảo cùng tiếng gió thổi ràn rạt trên các cành cây trên sân trường rồi có tiếng mảnh bom rơi loảng xoảng ở sân khu nhà B. Có tiếng ai đó ở hầm bên nói vọng lên, nó đánh vào Quân y viện rồi. Tôi sợ quá, ôm đứa con bé nhất vào lòng và kéo hai anh chị nó vào sát mình. Lát sau không nhe thấy tiếng máy bay và tiếng bom đạn nữa nhưng từ ngoài đường nghe vang lên  liên tiếp tiếng chạy rầm rập của hết đoàn người này đến đoàn người khác. Họ hét lên cho mọi người trong các khu nhà nghe thấy:

- Di tản đi thôi bà con ơi! Nhanh lên không nó quay lại đánh tiếp đấy.

- Bên Thương Lý nhiều người chết lắm!

Tôi nghĩ, khu trường này mấy năm trước đã dùng làm kho lương thực, tình hình này là cực kỳ nguy hiểm nên vội đưa các con lên khỏi hầm. Những người trong các hầm khác cũng đều lên hết, ai nấy nhìn mặt nhau vẫn còn thấy xanh xám cả. Mấy người lớn bàn nhau di tản đi đâu và rồi thống nhất chạy xuống phía dưới nhà hát Lớn thành phố để tránh xa khu bến Cảng.

Tôi, tay phải bế đứa con thứ ba mới hơn hai tuổi, tay trái dắt con chị nó chưa đầy 4 tuổi, thằng con đầu gần 7 tuổi bám sau bố và hai em. Để đi cho nhanh, tôi vứt bỏ đôi dép cao su ở nhà để đi chân đất. Không ngờ bấy giờ mùa hạ đã sang gần một tháng lại đang về trưa, những con đường nhựa ở các phố đều đã nóng rẫy khiến hai gan bàn chân tôi như bị bỏng. Qua nhà hát Lớn, xuống phố Cầu Đất, 4 bố con tôi rẽ vào phố Lê Chân tìm nhà bà ngoại các cháu. Bà ngoại thấy con rể và các cháu thì mừng quá bảo:

- Mẹ và các em cũng vừa chui từ tầng hầm của trường Minh Khai lên. Giờ mẹ đưa 4 bố con sang đó, chui xuống tìm chỗ ẩn sẵn phòng khi máy bay nó đến.

Trường cấp 1 Nguyễn Thị Minh Khai ở gần đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân là một ngôi trường lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Dãy nhà chính của trường đứng trên một tầng hầm để tránh ẩm ướt, bên dưới tầng hầm chia ra nhiều ô có thể chui xuống chui lên dễ dàng. Khi 4 bố con tôi chui xuống hầm vẫn còn một số người nằm ngồi trên những chiếc chiếu họ đem từ nhà xuống khi chạy tránh máy bay. Bà ngoại dẫn con cháu vào một góc trong đó có mấy dì của các con tôi đang ngồi trên một chiếc chiếu trò chuyện với nhau. Vì vợ tôi là con gái đầu lòng, dưới có tới 9 cô em gái nên có mấy dì còn rất nhỏ tuổi, dì út chỉ hơn con trai lớn của vợ chồng tôi có 2 tuổi. Vì vậy dì cháu họ gặp nhau vui quá nói chuyện oang oang cả hầm. 

Một vài người lớn ở phố Lê Chân sau ít giờ trở về nhà đã nghe được một số tin lan truyền từ người này sang người khác về vụ máy bay B52 của Mỹ vừa đánh bom sáng nay, giờ chui xuống hầm thao thao đua nhau kể lại. Qua đấy tôi được biết, B52 đã vạch những vệt chết chóc qua các khu tập thể Xi Măng, Cầu Quay, qua thôn Phúc Lộc của huyện Kiến Thụy... Nghĩa trang Thành phố đang cho đào hố chôn chung hàng trăm người, mà nhiều người chỉ còn một phần thân thể. Tất cả các khoa của bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ngày đều phải biến thành khoa mổ, máu đọng lép nhép trên sân trước các phòng cấp cứu, 9 giờ sáng, máy bay Mỹ oanh tạc quanh khu bệnh viện, nhiều bom nổ ngay sát tường khoa Tai mũi họng, bom rơi quanh khu vực bệnh viện, tường đổ, cửa kính vỡ hàng loạt, nhưng các bàn mổ đặt ở tầng một của những ngôi nhà cao tầng bệnh viện chính như khoa Sản và khoa Mắt vẫn làm việc bình thường, vì không thể bỏ nạn nhân nặng, cũng không thể chuyển ngay bàn mổ và cấp cứu đi nơi khác… 

Bà ngoại các cháu bảo tôi cùng bà về nhà lo liệu cơm nước chung cho mọi dì cháu chúng nó. Suốt từ trưa đến chiều hôm đó, không thấy máy bay Mỹ vào bắn phá tiếp. Nhưng gần chiều tối bà ngoại bảo tôi:

- Mẹ sợ đêm nay nó sẽ đánh. Vì vậy cả nhà ta chạy ngay xuống làng Hạ Lũng ở nhờ nhà mẹ chồng dì Thủy cho được an toàn.

Dì Thủy là em gái thứ tư vợ tôi lấy chồng làng hoa Hạ Lũng thuộc xã Đằng Hải, cách phố Lê Chân khoảng 5km. Chúng tôi lếch thếch bầu đoàn đi bộ ngay xuống đó thì trời vừa tối. Chú Phúc chồng dì Thủy lái xe đường dài không ở nhà. Bà mẹ chồng và dì đón nhận chúng tôi chu đáo rồi bố trí chỗ ngủ cho chúng tôi. Đêm ấy cũng an lành chỉ đôi khi nghe tiếng máy bay ì ì từ ngoài biển xa vọng tới.

Sáng hôm sau, gần giữa trưa thì vợ tôi từ Tiên Lãng về thành phố, nghe tin cả nhà sơ tán xuống Lũng, vội đạp xe xuống ngay. Chúng tôi bàn nhau phải đưa các con đi Tiên Lãng nhanh để tránh bom đạn Mỹ đánh trở lại và đi Tiên Lãng thì vợ chồng con cái mới khỏi phải xa nhau trong lúc bom đạn ác liệt này. Thế là, hai vợ chồng tôi tất tưởi về ngay nhà lấy mấy gói đồ đã bọc sẵn đèo nhau trở lại Hạ Lũng rồi tha lôi ngay ba đứa con ra bến xe Niệm Nghĩa đi Tiên Lãng ngay chiều hôm đó.

Tối hôm đó, cả nhà tôi tới xã Tiên Minh nơi trường sư phạm trung cấp đóng. Vợ tôi từ ngày đi học bồi dưỡng đươc xếp chung cùng hai cô giáo nữa trọ tại nhà một bác nông dân mà họ quý mến và thân mật gọi là bà Bu. Nhưng giờ không thể đưa cả chồng và 3 đứa con vào ở nhờ bà Bu được nên chỉ xin cho 3 đứa trẻ ngủ cùng hai cô giáo bạn còn hai vợ chồng đem nhau ra ngủ nhờ ở nhà bếp của trường trên cái giường một bằng sắt kê gần lò than nên cả đêm rất nóng rất khó ngủ. 

Ít ngày sau, tôi về sở nhận công lệnh điều về trường cấp 2 xã Toàn Thắng, đối diện với xã Tiên Minh qua một con kênh rộng chạy từ đầu huyện xuống cuối huyện. Cuối hè, vợ tôi học xong cũng xin được điều về trường này. Cả nhà được phân một gian phòng tường đất mái rạ, cửa sổ và cửa ra vào bằng tre đan ở cuối dãy nhà dành cho giáo viên ở xa về trường Toàn Thắng dạy. Phòng đủ kê hai cái giường và một bàn làm việc. Hầm tránh bom đào ngay dưới gầm giường, có kẻng báo động thì chui tọt ngay xuống rất tiện.

Bà ngoại các cháu là nhân viên của hàng mậu dịch quốc doanh ăn uống ở thành phố nên không đi sơ tán được, đành chia con ra để gửi những người thân quyến. Vợ chồng tôi nhận ba dì vào trường cấp 2 Toàn Thắng, một dì học lớp 6, hai còn lại học lớp 3 và lớp 1. Cậu cu con lớn nhà tôi cũng học lớp 1. Nhà trường cũng tận tình giúp đỡ xếp cho ba dì em nhà tôi một căn phòng nhỏ trong khunhà ở phụ của giáo viên phía bên dưới khu nhà ở chính.

Trường Toàn Thắng có giếng nước rộng và trong sạch, có mương lớn chảy bên phải, mương nhỏ chảy trước mặt lại có chợ bên kia đường huyện nên sinh hoạt của bầu đoàn chúng tôi  được nhiều phần dễ chịu.  Anh hiệu trưởng người xã Chấn Hưng tận cuối huyện nên cũng ở trong trường. Mọi người đều tự nấu ăn, vài ba người chung một mâm, tất cả nấu chung một bếp, rơm rạ hay củi lửa do HTX nông nghiệp xã cho nên giờ nấu cơm, giờ ăn cơm lúc nào cũng đầy những tiếng chuyện trò cười đùa vui vẻ. 

Đặc biệt trạm y tế xã ở ngay bên kia mương đối diện với căn buồng tôi ở, khi nước mương cạn có thể lội bộ vài phút là sang tới nơi, còn không thì đi vòng lên đầu bờ mương rồi vòng xuống cũng không bao lâu. Nhờ vậy, cuối tháng 10 năm đó, vợ tôi sinh đứa con thứ tư vào nửa đêm về sáng đã được dìu ngay sang trạm xá và đã được mẹ tròn con vuông.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến