NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 8

 

8.

Hết học kỳ 1 năm học 1972-1973 thì Hiệp định Paris về Việt Nam hoặc hiệp định Paris 1973 (ở miền Nam còn gọi là Hiệp định Ba Lê) là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Các trường học ở nội thành mở cửa trở lại. Vợ chồng tôi lại trở về khu phố Hồng Bàng và vẫn ở căn phòng 8m2 cũ trong khu trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng. Tôi vẫn dạy tại trường cấp 2 Nguyễn Trài còn vợ tôi dạy trường cấp 2 Hoàng văn Thụ.

Sang năm học 1974-1975, trên quyết định sát nhập trường cấp 1 và cấp 2 làm một gọi là trường cấp 1,2. Do đó, trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng chuyển thành trường cấp 1,2 và đổi tên thành Hồng Bàng theo tên khu phố chứ không theo tên phố Đinh Tiên Hoàng như trước. Vì sự thay đổi này, không chỉ học sinh thay đổi mà đội ngũ lãnh đạo nhà trường và giáo viên cũng thay đổi. Ông Phạm Đức Nhạn từ cán bộ phòng giáo dục Hồng Bàng về làm hiệu trưởng trường cấp 1,2 Hồng Bàng.

Số gia đình còn ở trên đất trường Hồng Bàng hiện nay chỉ còn 6 gia đình là nhà tôi, nhà bà Oanh, nhà ông Tuế, nhà ông Tần, nhà ông Lê Kỳ và nhà ông Lê Tử Kỳ. Ông Tần nghỉ việc ở phòng phổ thông của Sở về dạy ở trương Hong Bàng 1 năm rồi về làm hiệu trưởng trường Việt Hoa, ông Lê Kỳ và vợ cũng như vợ chồng tôi không phải là giáo viên trường Hồng Bàng, ông Lê Tử Kỳ vốn từ cty lương thực cấp 1 sang từ hồi sơ tán 1965, tóm lại, trừ vợ chồng ông Tuế chồng là cán bộ phòng giáo dục, vợ là giáo viên trường cấp 1, 2 Hồng Bàng, còn  5 gia đình kia đều bị coi là người ngoài trường, vì vậy nhà trường luôn tìm mọi cách để đưa tất cả các hộ ra ngoài. Ông hiệu trưởng Phạm ĐứcNhạn luôn luôn báo cáo lên UBND khu phố thúc ép giúp nhà trường giải quyết điều đó nhưng khu phố biết tìm đâu ra nhà, không phải chỉ cho mấy nhà ở trong trường Hồng Bàng mà còn cả mấy chục gia đình ở trong các trường khác trên khu phố như trường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Du, Việt Hoa, Phan Bội Châu…Hiệu trưởng các trường này cũng cũng muốn làm như ông hiệu trưởng Hồng Bàng.   

Mấy năm sau, ông Lê kỳ nhờ có ông Trương Quang Được là học sinh cũ hồi ông dạy ở trường học sinh miền Nam số 19 Cầu Rào làm chủ tịch UBND thành phố cấp cho thầy giáo cũ gác hai một ngôi nhà 2 tầng ở phố Phạm Hồng Thái. Gia đình ông Kỳ dọn ra phố và trong khu trường Hồng Bàng chỉ còn bốn nhà.

Khi người Hoa bỏ Hải Phòng hoặc về nước hoặc di tản đi các nước khác, gia đình bà Oanh cũng được phân một căn hộ ở ngõ Tò Vò phố Phan Bội Châu. Bà Oanh cũng không muốn đi nhưng có tin đe dọa, không đi sẽ không bố trí công tác và hồ sơ thi đại học của con gái lớn nhà bà sẽ bị ảnh hưởng. Bà Oanh sợ đành phải dọn ra khỏi trường.

Riêng tôi, đúng như dân gian nói sống đâu quen đấy. Tôi sống đã sống trong khu nhà trường này đã 12 năm, 3 năm trong gian phòng tập thể ở khu B, 10 năm với gia đinh nhỏ của mình, từ lúc chỉ có 2 vợ chồng nay đã có thêm 4 đứa con trong căn phòng 8m2 này, dẫu có những năm sơ tán cách xa nó nhưng cảm thấy đã quen với mảnh đất này, đặc biệt căn phòng 8m2, ở đây tôi đã cưới vợ, sinh con đầu lòng với biết bao kỷ niệm nên những năm phải sơ tán ra ngoại thành, tôi vẫn luôn nhớ về nó và mong mỏi yên lành được về với nó.

Chính vì vậy, năm 1979, khi hàng loạt người Hoa ở Hải Phòng di tản về nước hay tìm đường đi sang các nước khác, một phụ huynh học sinh của vợ tôi là ông Mạc tổ trưởng dân phố Lý Thường kiệt cho con đến mời vợ chồng tôi đến nhà ông và bảo:

- Có một căn phòng 32m2 trên gác hai thuộc địa bàn dân cư tôi quản lý ở phố Lý Thường Kiệt của người Hoa đã di tản. Nếu thầy cô thích thì chuyển đến ngay đi.

Rồi ông dẫn vợ chồng tôi đi xem căn phòng đó. Đúng như lời ông nói, căn phòng vuông vức, có ban công nhìn xuống phố, nền lát gạch men trắng. Cửa ra vào bằng gỗ mở ra một khoảng sân nhỏ dẫn xuống khu nhà bếp chung cho ba nhà vì trên gác đó còn hai căn phòng nữa cũng giống căn mà vợ chồng tôi đang xem. Vào thời bấy giờ có một căn phòng ở như thế thật là lý tưởng. Nhưng khi xuống bếp, tôi thấy trước cửa bếp trong khoảng sân nhỏ chung cho ba phòng có 3 cái thùng phi đựng nước, cả ba đếu sơn màu xanh lá cây và đều có nắp đậy kín và được khóa rất cẩn thận. Trong bếp, cái bệ bép cũng chia làm 3 ngăn chứa mùn cưa và củi, ngăn nào cũng có khóa riêng. Ông Mạc bảo chúng tôi:

- Khu nhà ở chung chạ nên phải nhà nào nhà ấy đều phải khóa phi nước và thùng bếp để đề phòng mất mát, nhất là bọn trẻ con chúng hay táy máy lắm.

Tôi hỏi:

- Thế nước dùng lấy ở dâu?

Ông Mạc trả lời:

- Phải gánh hoặc xách từ máy nước công cộng ở đầu phố lên.

- Thế thì đông người lấy nước lắm ông nhỉ?

- Vâng. Mùa đông thì còn đỡ chứ mùa hè thì xếp hàng đợi được một thùng nước cũng cực lắm. Nhưng toàn dân thế thì mình cũng phải thế thôi.

Vợ tôi có vẻ thích căn phòng đó lắm, nó lớn gấp 4 lần căn buồng 8m2 chúng tôi đang ở cơ mà. Nhưng tôi nhìn cảnh chung chạ cầu thang, khu sân nhỏ và bếp nước thì trong lòng không mấy hồ hởi. Tuy thế để chiều lòng vợ và đáp lại thịnh tình của ông Mạc, tôi cũng nghe ông về kiếm một cái khóa đem đến khóa căn phòng ấy lại.

Về nhà, vợ tôi hỏi:

- Bao giờ thì mình dọn đến căn nhà đó?

- Không bao giờ - Tôi nói.

- Sao lại không bao giờ? Căn phòng rộng và đẹp thế cơ mà?

- Rộng và đẹp nhưng có nhiều điều bất tiện lắm. Anh nói để em biết: Có nhiều cái phải chung đụng lắm như cửa ra vào không chỉ chung với hai hộ trên gác mà còn chung với 3 hộ dưới nhà nữa rồi lối lên cầu thang cũng chung, khoảng sân chung, bếp núc chung, nhà vệ sinh chung. Sống chung đụng thế tránh  sao khỏi những bất tiện và sự dòm ngó thóc mách lẫn nhau.

Rồi tôi nói thêm cho vợ tôi hiểu:

- Cứ coi như chung đụng cũng được nhưng còn mấy thứ khác thì rất không được.Trước hết về điện, hiện nay ba quận nội thành Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền ban ngày đều bị cắt điện, tối thì thay phiên nhau một quận có điện, hai quận không. Trong khi đó nơi mình đang ở thuộc khu vực thành uỷ có điện ưu tiên 24/24. Về nước, nhà mình có vòi nước riêng lại đầu nguồn lúc nào nước cũng chảy mạnh trong khi căn nhà ở phố Lý Thường Kiệt chỉ có một máy nước công cộng ở đầu phố, phải xếp hàng chờ đợi rồi phải gánh hoặc xách nước lên gác đổ vào thùng phi. Mà như ông Mạc nói ấy, về mùa hè thì rất cơ cực. Mà chuyện lấy nước ở máy công cộng thì em cũng đã biết, tranh nhau từng cái nốt để xếp xô, thùng có khi đánh chửi nhau, mình là giáo viên liệu có dám to tiếng ở nơi công cộng không? Còn một việc nữa là các con mình đều còn nhỏ, sống ở môi trường phố xá chung chạ như thế dễ sinh bất hoà với trẻ con các nhà khác, có khi chúng đánh chửi nhau không tốt chút nào về việc hình thành nhân cách cho chúng.

Nét mặt vợ tôi có chút bần thần:

- Anh nói thế em thấy đều đúng cả nhưng vẫn có phần tiếc căn hộ đó.

Tôi nói đùa vợ:

- Vậy quyết định dọn đến đó nhé. Anh chỉ yêu cầu em một việc là em nhận công việc xách nước đủ dùng cho cả nhà, không bắt các con làm để chúng còn có thì giờ học tập?

- Anh thách vậy thì em chịu. – Vợ tôi vừa cười vừa lắc đầu.

Chiều hôm sau, con gái ông Mạc vẻ mặt hốt hoảng đến báo với thầy cô: 

- Thưa thầy cô, có một ông thương binh vừa đến phá khoá căn buồng của thầy cô và đang dọn đồ đạc vào.

Tôi bảo:

- Em cứ về đi, thầy sẽ đến xem sao.

Tôi đến và gặp một anh thương binh còn trẻ, nom chừng mới ngoài ba mươi. Chắc anh ta đã nghe biết tôi là giáo viên và cũng là người đã khoá căn phòng anh ta vừa dọn mấy thứ đồ đạc vào nên vẻ mặt có phần sượng sùng nhưng tỏ vẻ lễ độ nói:

- Em xin lỗi thầy, em biết cái phòng này người ta định dành cho thầy nhưng không thấy gia đình dọn đến mà vợ chồng em và hai đứa con thì đang phải ở nhờ nhà thằng bạn chật chội lắm. Chúng em đi đánh nhau ngoài chiến trường, may chỉ bị thương không chết nên được phục viên nhưng ở nhà quê khó sống quá nên phải ngoi ra thành phố tìm cách kiếm sống. Nhưng ở thành phố thì biết lấy đâu ra chỗ ăn ở. Nếu thầy đang có nhà ở rồi thì xin thầy thông cảm nhường cho em căn phòng này.

Dạo đó đang có phong trào thương binh bảo hộ lẫn nhau trong nhiều việc đặc biệt là việc đi chiếm nhà. Họ theo dõi các khu nhà tập thể do nhà nước đang xây, khi thấy căn bản đã xong chờ phân phối cho các đối tượng có giấy cấp nhà thì bảo nhau nhẩy dù vào chiếm một vài căn. Khi chính quyền đến giải quyết thì không biết họ bảo nhau bằng cách nào mà aò ào từ các nơi kéo tới cả trăm thương bệnh binh, kẻ cụt tay, người cụt chân, người chống nạng, người đi xe lăn…dàn thành một đám đông đối phó với chính quyền cho đến khi sự đã rồi thì những căn hộ đó thành nhà của đồng đội họ.

Tôi nói với anh thương binh nọ:

- Tôi thật lòng cũng chưa muốn ở căn phòng này. Nay anh đã phá khoá, dọn đồ vào thì anh cứ ở lại và nói với chính quyền sở tại sau. Trước hết anh nên gặp ông tổ trưởng dân phố để nói đầu đuôi mọi sự cho êm đẹp.

Anh ta mừng quá, nói:

- Em cám ơn thầy và xin lỗi thầy vì đã phá hỏng cái khoá của thầy. Xin thầy để em mua đền cái mới.

Tôi cười vui vẻ:

- Cái khoá có đáng là bao, khỏi phải mua đền gì cả.

Rồi tô gặp ông Mạc, nói để ông hiểu quan điểm của tôi về chỗ ở rồi cám ơn lòng tốt của ông muốn giúp vợ chồng tôi có một nhà mới rộng rãi và thanh thản ra về 

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến