NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 10

 

10.

Ít năm sau, vợ chồng tôi dạy con trai ông Toàn nhà ở phố Phạm Phú Thứ. Ông Toàn tên đầy đủ là Nguyễn Văn Toàn nhưng mọi người cứ gọi ông là Toàn Toét vì một thời mắt ông bị đau, hai mi mắt lúc nào cũng như viền vải đỏ. Năm ấy ông Toàn Toét đang nổi danh khắp thành phố với cái tên Vua sắt  vụn có rất nhiều kho bến bãi chứa sắt vụn để xuất khẩu. Nhà ông là cả một cơ ngơi rộng rãi và hoành tráng thời bấy giờ bên sông Hạ Lý. Một hôm ông Toàn đến thăm chúng tôi với danh nghĩa phụ huynh học sinh. Sau khi uống chén trà tôi mời, ông đưa mắt nhìn căn nhà tự tạo của tôi rồi lắc đầu nguậy nguậy nói:

- Không được! Cô chú ở thế này là không được. Nhà gì mà năm ba loại cột gỗ khác nhau, mái lợp giấy dầu. Anh sẽ cho mang sắt thép đẹp sang dựng cho cô chú ngôi nhà khác.

Tôi cảm ơn nhiệt tình của ông Toàn và lựa lời nói để từ chối sự giúp đỡ của ông thì ông nói:

- Cô chú sợ nhà trường à? Thế thì để anh nói với trên ủy ban quận một tiếng là xong. Toàn anh em ăn nhẵn mâm ở nhà anh, thân nhau cả mà.

Nhưng tôi đã kiên quyết từ chối ông.

Năm 1978, tôi chuyển dạy từ trường Nguyễn Tri Phương về trường Hồng Bàng, bây giờ người ta không gọi là trường cấp 2 mà đổi cách gọi là trường trung học cơ sở Hồng Bàng, dưới quyền ông hiệu trưởng Phạm Đức Nhạn. 

Mặc dù, tôi đã là giáo viên của trường Hồng Bàng và đã là quân của ông Phạm Đức Nhạn nhưng ông vẫn tìm cách đẩy các gia đình ra khỏi khu đất của nhà trường đặc biệt là với riêng gia đình tôi và luôn gây khó khăn trong sự đi lại và sinh hoạt vệ sinh, điện nước cho chúng tôi. Nhiều sự việc rất bất nhẫn nhưng ông Phạm Đức Nhạn đã thành người thiên cổ từ năm 2015 nên tôi không kể ra làm gì để linh hồn ông được mát mẻ nơi miền Miên Viễn. Và dù vậy, năm tháng trôi qua, rồi tôi cũng có điều kiện để xây lại căn nhà tuềnh toàng mái giấy dầu thành ngôi nhà cấp 4 có tường gạch, xà sắt, mái tôn và nền lát gạch men rồi lại xây được cái bếp riêng bên cạnh nhà. Gian nhà có cửa mở ra đường phố tạo điều kiện thuận lợi cho việc vợ chồng tôi kèm thêm cho con em các gia đình gửi để luyện thi vào lớp 8 đầu cấp 3 phổ thông. Tôi dạy Văn,vợ tôi dạy Toán. Thời ấy học hết lớp 7 phải thi vào lớp 8 mới được học tiếp cấp 3. Nội thành chỉ có mấy trường cấp 3 như Ngô Quyền, Thái Phiên, Lê Hồng Phong và Đoàn Kết. Số lượng học sinh lấy vào lớp 8 ở các trường rất hạn chế mà bấy giờ chưa có trường dân lập nên không thi được vào lớp 8 chỉ còn nước thôi học đi làm hay học nghề hoặc học bổ túc ban đêm mà người dân chua chát gọi là cấp 3 quần đùi hàm hai ý, một là trường cấp 3 không còn gì để lựa chọn ví như không có quần nào để mặc ngoài cái quần đùi, hai là học sinh cấp 3 bổ túc văn hoá có cả cán bộ công nhân viên và cả học sinh mới học xong cấp 2, tất cả học ban đêm, nên không mấy ai coi trọng sự ăn mặc, về mùa nóng bọn trẻ quần đùi đến lớp cũng được vào học.

Bây giờ nhìn cơ ngơi của tôi ai cũng thích: Nhà mặt tiền trên con phố lớn sạch đẹp nhất thành phố, xung quanh ngoài trường Hồng Bàng còn có các cơ quan đầu não của thành phố như Thành ủy, Trụ sở đảng bộ thành phố, ban Kinh tế thành ủy, Bảo tàng thành phố, sở Lao động thương binh và xã hội, sở Kế hoạch và đầu tư...nhiều người bảo đây là phố Đại Quan. 

Cũng bây giờ vợ chồng tôi đã có cháu ngoại, một cháu rồi hai cháu, ba cháu. Hàng ngày bố mẹ chúng đều gửi con lên ông bà ngoại nhờ trông nom chăm sóc để tiện việc đi làm. Có căn nhà khá tươm tất lại ở đường phố lớn sạch đẹp, các cháu luôn được ông bà khi bế ẵm lúc đẩy xe trẻ em dạo mát trên vỉa hè. Lúc chúng 4, 5 tuổi thì tự đạp xe vừa chơi vui vừa rèn luyện sức khỏe. Khi con trai tôi ở Sài Gòn lập gia đình, Tết nhất vợ chồng con cái về Hải Phòng thăm bố mẹ cũng có chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ chơi cho trẻ con đàng hoàng.

Mấy ông xe ôm đầu phố thấy ông cháu tôi ở căn nhà đối diện với văn phòng thành ủy trong phố “Đại Quan” thì cứ  hỏi, chắc bác là cán bộ to bên ủy ban hoặc thành ủy nên mới có nhà ở đấy?. Tôi nói tôi chỉ là giáo viên cấp hai nhưng không ai tin tôi cả mà đều cho rằng ông già khiêm tốn nói thế thôi. Chỉ có mấy bà bán hàng quà cho học sinh thâm niên hàng chục năm trước cổng trường mới biết tôi là giáo viên trường Hồng Bàng. 

Khi xã hội bắt dầu có từ “chạy” trong mọi lĩnh vực như chạy chức chạy quyền chạy nhà đất...có mấy người đến nhà tôi nằn nì tôi bán nhà cho họ vì họ rất thích vị trí địa lý của mảnh đất tôi đang ở. Họ nói:

- Nhà của bác không có giấy tờ gì, tất nhiên không thể có giá như nhà có chủ quyền nhưng chúng cháu sẽ trả cho bác cái giá tốt nhất, hơn hẳn những nhà có chủ quyền ở các phố nhỏ. Chỉ cần bác cho cháu vài dòng chữ viết tay nhượng lại nhà còn sau đó ra sao chúng cháu tự lo liệu.

Nếu ham tiền chắc tôi đã bán rồi kiếm một miếng đất rộng rãi xây nhà mới to đẹp đàng hoàng hay mua một ngôi nhà có sổ đỏ ở nơi khác. Đó là một cách. Còn cách khác, nếu tôi ham tiền, tôi bán căn nhà 4B Đinh Tiên Hoàng, Hải Phòng đi rồi về quê nhà là làng Dịch Vọng ở Cầu Giấy Hà Nội, dựng một ngôi nhà trên một miếng đất của tổ phụ để lại. Là vì:

Năm 1997, anh trai tôi từ quê xuống chơi. Trong bữa cơm gia đình, ông anh tôi nói:

- Anh xuống để xin ý kiến chú. Giờ làng ta đã lên phường thành phường Dịch Vọng của quận Cầu Giấy. Vì thế dân tứ xứ tìm vào làng mua đất làm nhà do vậy giá đất mỗi ngày một cao. Chú định tính sao với khu đất của nhà nhà ta.
Tuy ông anh không nói đến từ chia đất nhưng tôi hiểu ý anh muốn giải quyết khu đất ấy như thế nào nên tôi đã thẳng thắn nói ngay:

- Em gần như cả đời không ở làng, lúc thì theo cậu Đổng ra Hà Nội học, lúc thì lên miền núi làm việc và rồi định chân ở Hải Phòng đã gần bốn chục năm nay. Anh chị và các cháu đã ở trên mảnh đất ấy nhiều năm cùng với mẹ, trông nom nuôi mẹ lúc về già. Vì vậy, đất ấy hoàn toàn thuộc về anh và định đoạt ra sao là quyền của anh.

Ông anh tôi bảo:

- Chú nói vậy nhứng còn thím và các cháu nữa nhất là thằng con trai chú đang ở Sài Gòn?

Tôi nói:

-  Không cần hỏi, anh cũng biết vợ con em luôn luôn nhất trí với ý em
 Như em đã nói. Riêng con trai em, nó ở Sài Gòn cũng đã mua được đất và đã có nhà riêng, nó không đòi hỏi gì đâu.

Thấy ông anh đã có phần yên tâm, tôi góp ý cho anh:

- Đất trên quê đang có giá, anh nên bán đi một ít lấy tiền xây nên một ngôi nhà mà ở cho khang trang. Số đất còn lại, khu vực Cầu Giấy rất nhiều trường đại học, nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên là rất lớn, anh  nên xây một số phòng cho thuê để có tiền sinh sống hàng tháng.

Rồi tôi chỉ xin anh một điều kiện:

- Bà cụ sinh ra anh em mình nay đã chín mươi tuổi rồi, cụ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, khi bán ít đất, anh nên đưa cụ một ít tiền nói là tiền bán đất của gia tiên cho cụ vui. Nhưng có lẽ tốt hơn là mua cho cụ một cái nhẫn hai chỉ vàng đeo vào tay cho cụ để hàng ngày cụ nhìn tháy nó mà vui trong lòng.

Hôm sau ông anh tôi ra về và ít lâu sau báo tin cho tôi đã bán 50 mét đất cho một người khách mua là một ong vụ phó vụ Đông Nam Á. Cả ông ta và anh tôi đều đang chuẩn bị xây nhà. 

Tận đáy lòng, tôi không muốn xa dời căn nhà đã là chốn dung thân cho gia đình tôi cả mấy chục năm trời với 8m vuông được phân từ khi vợ chồng tôi bắt đầu chung sống với nhau rồi mở mang thêm vài chục mét vuông nữa từ đống gạch đất bẩn thỉu lưu cữu từ bao nhiêu năm về trước. Có lúc tôi còn ao ước khi từ giã cõi đời, tôi sẽ được nhắm mắt xuôi tay ở trong ngôi nhà này.

Ngôi nhà này bây giờ  đã rộng rãi, thoáng đãng và đẹp hơn nhiều lần sau bao lần gia đình tôi bỏ công sức ra tôn tạo. Nhưng khi có chỗ ở tốt đẹp hơn xưa  thì 4 đứa con của vợ chồng tôi cũng đã khôn lớn, lần lượt có gia đình riêng, người ở Sài Gòn, người ở Hà Nội, người ở Hải Phòng nhưng tất cả đều  mua được nhà ở riêng . Nơi ở này chỉ còn lại hai vợ chồng già sớm khuya với những câu chuyện nho nhỏ đủ cho nhau nghe và chỉ  mong đến những ngày cuối tuần, ngày giỗ tết hay những ngày nghỉ lễ, con cháu về cho ngôi nhà rộn vang đầy những tiếng cười tiếng nói vui vẻ và đầm ấm.

 


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến