NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký của Nguyễn Bàng phần 11

 

11.

Năm 2000, tôi nghỉ hưu; năm sau vợ tôi cũng nghỉ hưu. Hai chúng tôi còn ở căn nhà 4B Đinh Tiên Hoàng 14 năm nữa. Không đến nỗi “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” mà cũng được cảnh “Một căn nhà mặt phố hai mái đầu bạc” có tủ thờ gia tiên trang trọng, có đủ các đồ dùng thiết yếu hiện đại như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính và đặc biệt có nhà vệ sinh tự hoại riêng thay vì đã mấy chục năm phải đi vệ sinh ở nhà vệ sinh chung trong khu nhà trường.

Đến giữa năm 2014, vợ chồng con trai tôi ở Sài Gòn đem hai đứa con sang Ca na đa theo diện di dân đầu tư để lại một ngôi nhà đợi khi sang nước người có quốc tịch mới về Việt Nam bán cộng thêm công ty làm ăn ở Việt Nam cũng còn chút việc. Vì vậy vợ chồng tôi phải vào Sài Gòn sống để trông ngôi nhà  ấy và đảm lãnh chút việc cty của các con. Căn nhà số 4B Đinh Tiên Hoàng phải tạm đóng cửa chờ ngày hai người chủ già sẽ ra trở lại.

Nhưng hai năm sau, 2016, Uỷ ban Nhân dânn quận Hồng Bàng có quyết định đưa toàn bộ các gia đình giáo viên còn ở trong các trường học ra ngoài để trả lại khuôn viên cho các trường. Họ mời các gia đình trong đó có gia đình tôi lên Uỷ ban nhân dân họp rồi họ cho người xuống đo đạc diện tích, kê biên các thứ các gia đình đã cơi nới tôn tạo và đưa ra số tiền không nói là đền bù mà là hỗ trợ di chuyển đi nơi khác. Gia đình tôi được nhận 500 triệu. Nhiều gia đình ở các trường khác đấu tranh không chuyển đi hoặc đòi hỗ trợ thêm. Riêng tôi đồng ý nhận ngay số tiền 500 triệu ấy.

Thấy thế nhiều người hỏi tôi không  tiếc căn nhà 4B Đinh Tiên Hoàng à? Tiếc chứ! Tiếc đến đau lòng là khác. Bởi lẽ, bất cứ cái gì mình tạo ra cũng có hồn vía của nó. Căn nhà ấy ban đầu chỉ có 8m2 là tôi được cấp để cho hai vợ chồng ở, sau này có thêm 4 đứa con, cả gia đình tôi dòng dã mấy chục năm trời không chỉ đã phải sống chui rúc khổ sở trong căn buồng ấy mà còn khổ tâm vì nay bị đe doạ đuổi đi, mai lại bị báo cáo lên cấp trên về chuyện này chuyện nọ. Rồi chúng tôi phải bỏ biết bao công sức, chi ra những đồng tiền chắt bóp dành dụm mới tạo dựng nên nó ngày nay. Tôi thích những thứ tôi tạo ra, ngắm nhìn nó với cảm xúc và sự trân trọng. Nay bắt buộc phải để nó tuột khỏi tay mình thì sao lại không buồn và tiếc. Lại thêm với vị trí của nó ở phố Đại Quan Đinh Tiên Hoàng, mỗi mét đất là cả trăm triệu bạc. Với 500 triệu hỗ trợ, đem đến những nơi mạt hạng nhất trong thành phố như mua nhsaf trong ngõ hẹp, mua đất ở các làng mới lên phường, nhiều lắm cũng chỉ được hơn 20 mét. Còn tiền xây nhà nữa mới có chỗ ở mới chứ?!

Nhưng tôi bằng lòng trao trả lại cho chính quyền vì mấy lẽ:

- Về tình cảm với nơi mình đã ở tới 54 năm quả thật là quá sâu nặng. Nếu được nhắm mắt xuôi tay ở đấy thì thật mãn nguyện. Nhưng thời thế đã thay đổi, “sông kia rày đã lên đồng”, gần trọn một đời người ở căn nhà ấy nghĩ cũng đã là đủ để trả nó sang nhiệm vụ mới cũng là được.

- Về pháp lý, xét theo luật nhà đất, 54 năm ở trên mảnh đất vốn được cấp cho lúc ban đầu, nhẽ ra phải được cấp giấy tờ đầy đủ nay lại bị bắt di dời, có thể kiện tụng. Nhưng từ xưa đã có câu: ““Vô phúc đáo tụng đình” mà thời nay cái mà chúng ta hay gọi là “tinh thần thượng tôn pháp luật” cũng còn rất mờ nhạt.

- Về tiền hỗ trợ, nếu kiên quyết đòi tăng thêm bằng cách không di dời thì chắc chắc cò kè bớt một thêm hai với chính quyền sẽ được thêm vài ba chục triệu nữa là cùng. Nhưng nước xa lửa gần, vợ chồng tôi ở Sài Gòn, không dễ gì nay uỷ ban gọi lên họp trao đổi lần 1, mai lần 2 rồi lần thứ n…mà mình có mặt được. Đường xa vạn dặm, tuổi đã cao lại thêm tốn kém tiền tàu xe, là những cản trở không nhỏ.

- Mặt khác, vị trí địa lý khu đất quanh căn nhà đó trong gần chục năm nay do biến đổi khí hậu, mỗi khi mưa to gặp triều cường là phố thành sông, nhà dưới thành ao. Mỗi khi nghe dự báo thời tiếtxấu, biết sẽ gặp mưa to gió lớn, phải vội vàng thu dọn hết đồ đạc đem lên căn buồng 8m2 cao hơn mặt đất nửa mét để cho an toàn. Rồi mỗi khi nước ngoài đường tràn vào đã rút hết, phải quét dọn lau chùi ngay rất cực nhọc vì toàn là nước mưa trộn nước cvoongs rãnh của thành phố rất bẩn. Những ngày chúng tôi chưa vào Sài Gòn, sau mỗi trận mưa lớn, 2 cô con gái ở dưới Ngõ Cấm và Khánh Hội đều phải lên dọn dẹp giúp bố mẹ. Nay, không ai ở căn nhà ấy, mỗi lần thấy mưa lớn cả hai chị em đều lo lắng và mưa xong cũng đều bảo nhau lên dọn hậu quả.

Phải chăng trời cũng không muốn để mình ở đấy nữa? Tôi nghĩ vậy và nén nỗi buồn vào lòng, chấp thuận chia tay căn nhà đó để cất nó vào nỗi buồn hoài vọng mà thôi.

Hôm về thu dọn, tất tật mọi thứ từ sách vở, quần áo, cái radio,cái tivi cũ rồi tủ giả bàn ghế, con dao, cái búa… tôi đều cho những người thân quen hết. Riêng cái mái tôn tôi gọi anh Bội bán sắt vụn, mà từ lâu tôi đã coi anh ta như con cháu trong nhà rất thân thiện, lên dỡ mà đem bán cùng với các ô bảo vệ cửa sổ hay cửa sắt cũ. Tôi chỉ lo mỗi việc đi cắt hợp đồng điện nước rồi ký nhận 500 triệu đem gửi ngân hàng để tay không trở vào Sài Gòn cho tiện lợi.

Ngôi nhà ở Sài Gòn của con trai tôi rất rộng và đẹp. Khuôn viên đất gần 300m2, có sân trước vườn sau. Nhà 3 tầng xây theo thiết kế của cty Nhà Vui theo kiểu nửa nhà nửa biệt thự phố, 4 mặt cửa sổ thoáng đãng. Các con tôi và một số bè bạn khuyên vợ chồng tôi nên ở đấy cho hết đời vì nhà sạch đẹp, mát mẻ mà khí hậu ở miền Nam lại tốt hơn khí hậu ngoài Bắc rất hợp với người già. Nhưng trong thâm tâm hai vợ chồng tôi vẫn muốn về Bắc sống. Về Bắc chứ không về quê mà về Hải Phòng!

Từ ngôi nhà đầu tiên là bụng mẹ, cho đến căn nhà 4B phố Đinh Tiên Hoàng, thành phố Hải Phòng rồi ngôi nhà của con ở Sài Gòn, nhẩm cộng lại tôi đã ở 20 căn nhà cả thảy:

Nhà của cha ông ở quê, Nhà tản cư trên ấp Đại Bái, nhà ông Thứ bên xóm Hà, nhà tổ phụ dựng lại sau tiêu thổ kháng chiến, Nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương, Nhà 25 Phùng Khắc Khoan, Nhà ở xã Cổ Mễ, huyện Cẩm Giàng Bắc Ninh, Nhà ở ngân hàng Thuận Châu, Nhà bà giáo Thuận ở Hải Phòng, Nhà là lớp học trường cấp 2 Tiền Phong, nhà ông giáo Khản, nhà tập thể trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng, nhà 8m2, nhà ở trường xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Nhà chị Giới xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, nhà ở trường cấp 1 xã Cộng Hiền, nhà ở trường cấp 2 xã Nhân Hòa, nhà 4B Đinh Tiên Hoàng, nhà ở Sài Gòn của con trai.

Chưa hết một đời người, tôi đã ở qua 3 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn, 1 tỉnh lỵ là Bắc Ninh và một khu miền núi: Khu tự trị Thái Mèo trong 20 căn nhà kể trên. Có căn nhà tôi sống với bà, thầy u và anh chị ở đó, có căn nhà tôi sống một mình, có căn nhà tôi sống với một anh bạn hay cả một tập thể đông người, có căn là nơi vợ chồng tôi đón những đứa con ra đời, có căn là nơi tôi khóc tiễn đưa u tôi lần cuối. Mỗi khi đến căn nhà này, dọn đi khỏi căn nhà khác làm sao quên được dấu tích thân yêu, những kỷ niệm vui buồn và tránh sao khỏi một chút ngậm ngùi khi chia tay, dẫu biết rằng “Nhất điền thiên vạn chủ.”

Chưa biết bao giờ tôi mới nhẹ gánh dời Sài Gòn ra lại Hải Phòng. Và căn nhà cuối đời vợ chồng tôi ở sẽ ra sao đây, nhà thuê, nhà mua hay nhà xây mới? Chưa thể hình dung thấy nhưng chắc chắn nếu trời cho còn sống, chúng tôi sẽ phải có một căn nhà nữa để ở. Đê rồi cuối cùng chúng tôi sẽ đến căn nhà cuối cùng của mỗi đời người. Thiên hạ bây giờ không thiếu những người đang xây những lăng tẩm không kém gì vua chúa thời xa xưa, để dọn bộ xương của mình vào. Nhưng lại có những người từ chối cả một nấm mồ. Họ muốn rắc tro than mình lên núi hay thả vào lòng biển. Họ chọn ngôi nhà cuối cùng không có mái, không có bốn vách tường, để linh hồn được tự do tan biến vào thiên nhiên. Khi nào nghe thấy tiếng gọi của Thiên Thu, chúng tôi cũng sẽ phải chọn một căn nhà hết một đời người cho mình.

Với tuổi ngoài tám mươi, khi nghĩ tới căn nhà thứ 20 chưa phải là căn nhà cuối cùng, bỗng nhớ lại lời cổ nhân: Đời người, mỗi người cần có một mái nhà của mình. Lời dạy thật chí lý nhưng khi hiểu ra thì đã muộn rồi. Và vì thấy đã muộn nên tôi viết lại những căn nhà đời tôi đã ở để, ít nhất thì cũng cho các con các cháu tôi, chúng biết đời tôi đã sống trong những căn nhà như thế nào, biết và sớm có hiểu biết hơn tôi về một ngôi nhà, một mái ấm gia đình. Không viết ra thì chắc gì sẽ có ngày tôi kể được cho các con các cháu tôi nghe?

Nhiều khi chiều xuống ở Sài Gòn, bỗng buồn buồn nhớ tới câu thơ Huy Cận:

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Lòng lại thấy buồn hơn vì cảnh tôi hiện giờ có nhà đâu mà để nhớ?


HẾT

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến