Đọc Huyết ngọc, tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân - Tác giả Bùi Việt Thắng

 .

(Đọc Huyết ngọc, tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân, NXB Phụ nữ, 2015)
BÙI VIỆT THẮNG
Huyết ngọc là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Tống Ngọc Hân sau Âm binh và lá ngón (Giải thưởng Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì anh ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ III, 2012-2014, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức). Từ truyện ngắn chuyển sang tiểu thuyết, với ai đó có thể lúng túng, riêng với Tống Ngọc Hân, tôi thấy chị vững vàng và tự tin khi viết. Có lẽ vì chị chỉ viết về những gì mình am tường nhất, trải nghiệm nhất không theo lối đi thực tế, có ghi chép và đúc rút. Kể cả truyện ngắn và tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân, sở dĩ lôi cuốn độc giả vì đều có “chuyện”, nghĩa là có cốt truyện hay với nhiều tình tiết điển hình, và ngồn ngộn các chi tiết sinh sắc. Huyết ngọc, nếu có thể ví von, như một cô gái không đẹp nhưng có duyên, cái duyên trời cho, lẩn vào bên trong nhưng lặng lẽ tỏa sáng. Tác giả có thể lấy tên nhân vật đặt tên cho tiểu thuyết - Thoan, như lối nhà văn Nguyễn Văn Thọ đặt tên tiểu thuyết Quyên vậy. Nhưng như thế có vẻ là học đòi người khác, nên cái nhan đề Huyết ngọc, theo tôi, là phù hợp, và hay vì nó mang ý nghĩa biểu tượng. Câu chuyện đi tìm huyết ngọc đã lôi cuốn vào đó bao nhiêu là con người với những cá tính, số phận khác nhau. Huyết ngọc (vật thể) như một thỏi nam châm lớn, cực mạnh hút sạch vào mình biết bao nhiêu là khởi đầu có vẻ lạc quan nhưng mọi kết cục đều thê thảm - người thì chết, người thì tù tội, người thì sống đó mà thân bại danh liệt,…Huyết ngọc (vật thể) lật tẩy tội ác nảy sinh từ lòng tham vô độ cũng như những ảo tưởng, những phù phiếm của con người, chỉ ra cho mỗi kẻ can gián tính chất phù du của kiếp người khi vô tình hay hữu ý bị bứt khỏi đời sống tuy lúc này lúc khác khốn khó, bi ai nhưng rốt cục thì “sự sống chẳng bao giờ chán nản”. Huyết ngọc của Tống Ngọc Hân mang dáng dấp một “truyền kỳ hiện đại”, khơi mở những bí ẩn của cuộc đời vốn không bao giờ thôi phức tạp, thậm chí rối rắm trong tính đa dạng và phong phú của nó. Huyết ngọc, theo tôi, lại còn mang dáng dấp của truyện trinh thám, phiêu lưu, nhiều pha gây cấn, nghẹt thở vì những tình huống đầy cao trào và kịch tính. Đọc Huyết ngọc của Tống Ngọc Hân phải đọc một mạch, liền một hơi như kiểu đọc truyện ngắn vậy dẫu cho sức nặng của nó là sức nặng của tiểu thuyết. Đọc Huyết ngọc độc giả bị cuốn chìm vào cái không khí truyện đặc sệt những mưu mô, toan tính lừa đảo, những đau đớn vật vã, những trớ trêu phi lí của cuộc đời của những con người trong một quần thể na ná “thập loại chúng sinh”. Một thế giới đầy tính chất hiện sinh mang cảm hứng đương đại của tác giả.
Nhân vật là cốt lõi của tiểu thuyết, thiếu nó tác phẩm sẽ trở nên chống chếnh thậm chí hụt hơi. Tống Ngọc Hân đã thành công khi viết tiểu thuyết mới nhờ vào sự kì công xây dựng được cả một “giàn” nhân vật, nói như thế quả không quá, trong một quần thể sinh tồn, một không gian sống rất đặc trưng - Phố Ắc Quy (phố không có số nhà, không có bìa đỏ). Một con phố nhỏ tất cả chỉ có 12 hộ nhưng thật tiêu biểu cho một “cõi nhân gian bé tí”. Tác giả dùng lối điểm danh liệt kê ra lai, lý lịch 12 hộ với những muôn màu đời sống đầy những ái ố hỷ nộ, tham sân si: Cụ Bưởi, cô Thoan, Chom, Khi, Đê, Trường, Bốc, lang Túy, và 4 hộ “đồng nát”. Trong cái cõi nhân gian bé tí ấy Thoan là hạt nhân, là điểm độc sáng, là trung tâm mâu thuẫn cũng như đoàn kết dù lâm thời hay vĩnh viễn. Thoan xuất hiện trên “sân khấu đời người” với thân phận một cô gái làm tiền từ năm mới chỉ mười bốn tuổi. Nhưng oái oăm thay cô không phải là kẻ thiếu tiền, mà là một sự đưa đẩy của số phận, một sự xô đẩy của hoàn cảnh. Bắt đầu là sự cưỡng bức của cha dượng phá đi sự trong trắng, nguyên khôi của một cô bé chưa tròn mười tuổi. Sau đó là sự trớ trêu của Tạo hóa “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Nhan sắc vốn không phải là tội lỗi, nhưng vì có nhan sắc mà Thoan bước vào con đường tội lỗi. Những bước đường đời sau đó của Thoan là hết bầm dập này đến bầm dập khác “gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”. Đừng nói là Thoan không tinh tế, trái lại “Thoan ở gần sông lâu ngày nên đủ tinh tế để nhận ra mùi của những thằng đàn ông sông nước”. Đừng nói là Thoan lười nhác vì cô vẫn biết lao động làm cho con người ta giữ được thiên lương (cô vẫn kỳ cạch với cái máy khâu con bướm, may vá cho lớp bình dân và hi vọng “vá víu lại đời mình”). Đời Thoan cũng có lúc tưởng lên hương khi có chồng, có gia đình, làm vợ Trấn. Nhưng hạnh phúc ngắn tày gang, Trấn bất đắc kì tử vì tội ác của đồng loại. Hơn một nghìn ngày sống với Trấn Thoan đã “Ba năm trôi qua như một giấc mơ mà Thoan không hề dám lãng phí một phút giây nào. Tất cả cho yêu thương, tất cả cho sám hối, tất cả cho hoàn lương và chút tia sáng cuối cùng của phẩm hạnh”. Sau cái chết của chồng, Thoan hụt hẫng và để vuột khỏi tay những thiện ý, thiện tâm của mình. Cô lại bị dòng lũ đời cuốn đi vào cái bất tận của nó. Cũng có khi trong tâm thức Thoan lóe lên những câu hỏi không người đáp “Ai đã bắt họ phóng lao rồi phải theo lao? Ai đã buộc họ ngựa phải quen đường cũ? Ai đã định kiến họ “non sông khó đổi bản tính khó dời”? Ai đã tước đi của họ những cơ hội cuối cùng?”. Ai bảo Thoan là người nông nổi, nông cạn không có nội tâm, tâm trạng. Bản thân Thoan cũng dính líu và can gián với huyết ngọc. Cô cũng vì thế mà nhiều lần ra sống vào chết vì huyết ngọc như một truyền thuyết đầy tính chất kì bí và vì thế dễ mê hoặc. Khi mà “Giấc mơ hạnh phúc về một gia đình bé nhỏ đã tuột khỏi tầm tay” Thoan, cô trở nên mất thăng bằng, thậm chí mất phương hướng. Nhưng rất may trong máu xương của Thoan vẫn đầy ứ tình cảm quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, có lẽ vì thế mà cô “ao ước làm được điều gì đó cho cái nơi cô sinh ra”. Có lẽ tình cảm đó là một trọng lực làm cân bằng lại tâm thế Thoan. Ở đoạn kết tiểu thuyết, Thoan không hiện hữu bằng hình hài xương thịt, mà chỉ qua một vật có ý nghĩa tượng trưng - “cái áo lụa xanh đung đưa vắt trên sào nứa đang rỏ nước”. Thoan chỉ biến mất khỏi cái bãi bờ hoang lạnh nào đó, một lúc nào đó thôi chứ không thể biến mất khỏi cuộc đời này. Một người như thế đáng sống và đáng quý. Bởi vì sao? Bởi vì nhà văn nồng nhiệt viết về nhân vật tôi nghĩ rất được yêu thương, trân quý: “Nếu không có Thoan cái phố Ắc Quy này chỉ đáng để cho trâu, ngựa ỉa (…). Thoan như thứ ánh sáng ngày mới của mặt trời, nhô lên từ đỉnh dốc để người ta soi mình trong muôn tia nắng li ti và tự phản biện với cái thói chây lười của mình (…). Chỉ cần Thoan cúi xuống nhặt một cành gai tre ném vào đống rác đang chờ hót đi, chỉ cần Thoan hót một cục phận chó, cuốc cái hố nho nhỏ trên cát chôn xuống, chỉ cần Thoan làm sạch cho cái khoảng đường trước cửa nhà Thoan thôi, là tất cả răm rắp làm theo”. Có thể nói Thoan là điểm độc sáng giữa cái Phố Ắc Quy o bế, lạc hậu và man rợ. Thoan như một cánh sen thơm mát giữa bùn lầy. Có điều là, đọc xong Huyết ngọc, riêng tôi, thấy rung động và đồng cảm với Thoan, cứ lẩn thẩn nghĩ có phải Thoan là một cô Kiều hiện đại?!
Xung quanh Thoan là cụ Bưởi, lang Túy, Mạc, Khi, Bốc,…mỗi người một vẻ mười phân chưa thể vẹn mười. Nhưng ai cũng có cá tính và số phận. Nhưng dường như nhân vật nữ vẫn “bắt mắt” hơn trong Huyết ngọc - đó là cụ Bưởi luôn luôn như một ẩn số trong quan hệ với Thoan, với cư dân xóm Ắc Quy. Đó là một bà mẹ suốt đời đau khổ vì con, đó là một phụ nữ giàu trải nghiệm, có dũng khí và tiết tháo của một thế hệ trải qua nhiều thử thách cam go của đời sống. Đó là cô Duyên (vợ Bốc), thoạt trông thô lỗ, dốt nát, điêu toa (còn nghe đồn thổi là một tay “anh chị”), nhưng hóa ra là một người sống có tình nghĩa, chả thế mà dư luận “Con mẹ này khi xưa làm gì ở đâu không biết, mà lúc chết đông người đưa đáo để. Thế mới biết, đôi lúc trông mặt mà bắt hình dong là sai bét”. Các nhân vật đều là “từ trường” hay “quỹ đạo” của Thoan, mà Thoan thì như một cục nam châm, một cái trục chính. Trong giới đàn ông thì lang Túy là một nhân vật sinh động bởi tính chất ma quái, ma giáo của ông ta. Lang Túy giống như người tham gia lễ hội cac - na -van, đeo mặt nạ, thoắt ẩn thoắt hiện, hành tung bí ẩn.
Huyết ngọc có một cấu trúc giãn nở, năng động trong 58 chương (hoặc đoạn), được gắn kết với nhau bằng một chất keo đặc biệt - một sự vật có tính chất biểu tượng: huyết ngọc. Lối cấu trúc này thuận lợi cho một đạo diễn nào đó muốn chuyển thành kịch bản điện ảnh vì rất nhiều trường đoạn, cận cảnh. Văn của Huyết ngọc có tốc độ bởi được kiến thiết từ những câu văn ngắn. Đọc Huyết ngọc thấy được cái nhịp điệu (rythme) của thời đại “một ngày bằng hai mươi năm”. Văn của Huyết ngọc phù hợp với tạng người thích sống nhanh và cảm giác mạnh. Huyết ngọc, theo tôi, gia nhập vào dòng (hay khuynh hướng) tiểu thuyết ngắn của thời đương đại, độ dài vài trăm trang đổ lại phù hợp với cơ chế đọc hiện nay khi người ta ít thời gian nhà rỗi, khi văn hóa nghe - nhìn đang lấn sân văn hoá đọc.
Văn của Tống Ngọc Hân trong Huyết ngọc, bề ngoài có vẻ khách quan, nhưng đọc kĩ thấy chứa chan cảm xúc, một thứ cảm xúc lúc nào cũng được cố giấu kín. Văn của Tống Ngọc Hân, tôi cứ cố, hình dung, giống những hòn than cháy được ủ trong tro, vì thế sức nóng được giữ bền lâu./.
Hà Nội, tháng 7 năm 2015

https://www.facebook.com/ngochan.tong.545/posts/1057877817724740

Nhận xét

Bài đăng phổ biến