ĐỌC THƠ NHƯ KHÔNG - Tác giả Nguyễn Bình

 .

Bầu rượu nóng chưng cất từ trầm tích cuộc đời.
Có thể nói một cách hình tượng: thơ Như Không là một bầu rượu nóng. Dòng ý thức trong anh như lớp lớp trầm tích dồn nén đã ủ men đời để khi bắt gặp ngôn ngữ thì ngưng đọng thành những giọt thơ chứa đựng đầy đủ mùi vị của cuộc sống. Với vốn hiểu biết sâu rộng, va chạm nhiều với thực tại đau đớn, ước vọng một thời hóa tro than, tình yêu và hạnh phúc dường như đổ vỡ, là nền tảng tạo nên giọng thơ Như Không bi tráng với nội hàm thăm thẳm. Thơ anh bao quát nhiều lĩnh vực, không gian cảm thức rộng, thế giới suy tưởng sâu. Tôi luôn có cảm giác mình mới nhìn thấy cái bên ngoài mà chưa hề với tới cái bên trong bình rượu như là một tiểu vũ trụ ấy khi đọc thơ anh.
Dẫu, đầu thế kỷ XIX ở nước Nga Leon Tolstoi viết “Chiến Tranh Và Hòa Bình”, dẫu sau thế chiến thứ nhất Ernest Hemingway khóc cười với “Giã Từ Vũ Khí”, và dẫu, sau cuộc chiến tranh Việt Nam, Bảo Ninh ám ảnh với “Nỗi Buồn Chiến Tranh” thì mỗi cá nhân trong cuộc chiến khi xuất phát là con người nhân bản, biết yêu thương, bị guồng máy chiến tranh đẩy vào những “chảo lửa” trên chiến trường.
Nhà thơ Như Không đã từng là một người lính, trong một hoàn cảnh đặc biệt, anh đối ẩm với một người lính khác chiến tuyến đã chết mà không cần biết ở bên này hay bên kia, họ mời nhau chung huyết tửu trong một “Chiều hành quân ghé về Tây Ninh ”. Cả hai, một sống một chết sau chiến trận vì “ Mũi tên hòn đạn chỉ may thôi ”, hai con Tốt thí biết rằng khi đã bị thúc qua sông thì “ mấy người đi trở lại ”. Tôi không nói gì thêm bởi đằng sau câu chuyện thọ tửu để trở về ngã tánh kia thì bánh xe lịch sử vẫn quay đều trên thân phận con người. Điều đáng nói là tôi yêu bốn câu thơ này quá:
“ Ta cạn chung này nhờ sống sót
Mũi tên hòn đạn chỉ may thôi
Ta cùng chú đều là con Tốt
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
(Chiều hành quân về ghé Tây Ninh)
Hoàng Sa, Trường Sa đang dần bị tham vọng bá quyền của người láng giềng phương Bắc nuốt chửng. Máu hờn căm trào sôi ngoài Biển Đông hôm nay, đầu Liễu Thăng còn phơi trên đất biên ải Chi Lăng năm nào còn đó. Hào khí dân tộc luân lưu trong huyết quản, nhưng khi đối mặt với thế sự nhiễu nhương, Như Không chỉ biết ngửa mặt than “ một thanh gươm chẳng có, dẫu gươm cùn ”, rồi hóa thân thành tráng sĩ Đặng Dung “ gươm mài bóng nguyệt ”, người chiến binh dũng mãnh ngày tàn cuộc chiến đau đáu chí khí của kẽ sĩ thất cơ:
“ Bẻ cây bút ném tung ra biển
Thấy nước trào sôi như máu xưa
Nhớ ngày yên ngựa mùa chinh chiến
Trăm năm còn chảy đến bây giờ.”
(Loạn)
Khi ngài Putin hăm hở mở “ Chiến dịch quân sự đặc biệt ” đưa quân xâm lược Ucraine, người dân Ucraine đã đứng lên kháng cự. Nhà thơ đứng về phía những người bảo vệ hòa bình, anh kịp thời viết những dòng thơ bi hùng, tôn vinh màu cờ - giọt máu Ucraine đang chiến đấu và sẳn sàng chết cho đất nước trời xanh - lúa mì vàng. Thi khúc bi tráng ngợi ca cô gái trẻ Ucraine khoác chiến y ra trận, để khi một chiến sĩ bảo vệ quê hương ngã xuống thì triệu triệu đóa hoa hướng dương “ vươn lên mầm sống ” hướng về mặt trời.
“ Rất có thể rồi đây em ngã xuống
Xương máu hôm nay đổi lấy ngày mai
Trong giọt máu vẫn vươn lên mầm sống
Cho Ucraine ngẩng mặt làm người. “
(Ucraine)
Cuộc đời con người nào cũng có những bước ngoặc của số phận. Sống là đi và về. Nhà thơ Như Không đã từng ra đi đằng đẳng mười năm. Phải chăng đó là bấy nhiêu ngày tháng lao lung khổ ải, để khi “Back to Sorrento” thì “dấu rêu mờ xanh một khoảnh sân xưa”, và căn nhà hoang lạnh chừng như còn lóng lánh dấu ân ái trên gối. Ôi, “Trên chiếc gối em nằm vương giọt lệ”, cho dù định mệnh là suốt một đời còn lại nỗi chia ly. Người thua trận ực ly cay đắng, mà có hề chi, cái còn lại là khí chất của bậc đại trượng phu, luôn canh cánh lưu giữ tinh thần trượng nghĩa, vậy nên, cho đến phút cuối cùng, thi nhân vẫn canh cánh bên lòng câu hỏi “vuốt mắt kịp nhau không”:
“ Ta bỏ nhà đi mười năm trôi nổi
Gạo chợ nước sông biết mấy đau lòng
Đời lạnh lẽo bao lần cơn gió thổi
Ngày cuối cùng … Vuốt mắt kịp nhau không ? “
( Dấu ấn mười năm )
Trong một khoảng lặng nào của ngày xửa ngày xưa hiện về, anh bỗng nhớ:
“ Nhiều buổi về ngang qua ngõ
Chân đi lòng cứ ngập ngừng
Hoa khế bao giờ đã héo
Bao lần mong được mẹ chung.”
( Hoa Khế )
Thế mà ngày ấy, chàng chiến binh lặng lẽ dấu bức thư tình “vụng dại” vào túi áo trận, ngẩng mặt lên trời xanh, ngậm ngùi lẩm nhẩm bài ca “thời chiến chinh mấy người đi trở lại”. Mang chút tình lãng mạn đẹp như một bài thơ, tâm hồn ấy trong vắt như nước suối đầu nguồn, chàng lặng lẽ ra trận, đôi botte de saut vẹt gót dẫm lên ngõ rêu “hoa khế tím rưng rưng rơi rụng”:
“ Mai thêm môt lần ra trận
Lòng anh hoa khế rơi đầy. “
( Hoa khế )
Hạnh phúc có đôi khi là thanh âm vọng động trong ký ức mù xa và khổ đau là lưỡi dao đời cứa vào lòng những vết cứa nham nhở, từng vết sẹo “in hình giọt nước mắt” của bao lần khóc cười mặn chát. Ô hay, hồn nhiên sao được, vết thương chảy máu từ nhát chém, vết thương tự chữa lành bằng thời gian nuốt lệ vào trong, “ bởi vết thương cũng có cuộc đời riêng ”, vết sẹo là chứng nhân của trăm năm dâu bể đời người hằn trên thịt da và trong linh hồn rớm lệ:
“ Những vết thương chẳng thể hồn nhiên
Bởi vết thương cũng có cuộc đời riêng
Biết khóc
Dẫu có thể sẽ lành
Dấu sẹo khô vẫn in hình nước mắt “
( Vết Thương )
Thi sĩ đối diện với mình với bóng, với cuộc đời, mà, đời là những cơn mê *, em có thể thủy chung và em cũng có thể đổi thay như dòng nước ngã ba sông. Họ mất nhau rồi chăng? Sao mà tiếng thơ trào ra như tiếng nấc. Trong em anh đã không còn tồn tại, không ai treo chiếc gương đã vỡ để soi đời, nên tình chàng đành “để gió cuốn đi”. Đành vậy thôi ! “Thôi thì thôi nhé cũng ngần ấy thôi *”:
“ Rồi sẽ có một ngày trong đời em
Anh không còn nữa
Em đâu tiếc gì chiếc gương đã vỡ
Nên đành thôi Để gió cuốn đi * “
( Vết thương )
Nhưng trái tim ta không hề đơn bạc, ta mang nặng ơn người từ tiền kiếp, ta đồng thanh cùng họ Trịnh cất lên tiếng hát: “dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn ai đã cho tôi hạnh phúc này”. Bởi, Người là sắc là hương “lẫy lừng” đời ta một thời vinh hoa rực rỡ như đóa phù dung, cho dù sớm nở tối tàn. Ta không bao giờ là người phản trắc, chỉ vì lòng ta mụ mị khi bị thời cuộc đánh cắp niềm tin, để hôm nào bỗng nhiên “tan giữa trời như một bóng sương”:
“ Ơn em tiền kiếp hoa nhan sắc
Một buổi đời nhau rất lẫy lừng
Lòng ta mụ mị điều mê hoặc
Tan giữa trời như một bóng sương. “
(Râu tóc ngàn xưa)
Không thể giải mã thơ Như Không bằng trực cảm đơn sơ. Miền tâm cảm trong thơ anh bao la như bầu trời và ẩn sâu như đáy trùng dương, khó có thể diễn ngôn tinh ý nội hàm của bầu rượu tiểu vũ trụ ấy. Thomas Dylan* đã từng nói: “Thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng”. Theo tôi nghĩ, đó là những gì mà tôi có thể nói về thơ Như Không trong hai thi tập NHỮNG ĐÓA HOA TẬT NGUYỀN và MÀU CỦA GIÓ mà tôi hân hạnh được anh gởi tặng. Chúc anh vui khỏe để tiếp tục sáng tác.
Bà Rịa, 28/8/2022
Nguyên Bình

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến