PHONG THỦY KHÔNG PHẢI THẦN THÁNH - Tác giả Nguyễn Vũ Diệu


Tinh thần khoa học.
Thời Tây mới sang xâm lược nước ta. Các cụ nhà ta theo Nho học chê văn minh Thái Tây đủ điều, nào là "bá đạo"; nào là "cơ khí tất cơ tâm"...vv..và ...vv...... Theo xu hướng thời đại, cũng rất nhiều cụ một chữ bẻ đôi không biết, cũng chê Tây học đủ điều, để thể hiện ta đây "tinh thần Nho học". Rồi khi văn minh Đông phương lùi bước với những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ cần xà cừ ngày càng xộc xệch, mộng long, chân gẫy thì những bộ bàn ghế Tây tiện dụng lên ngôi. Khi văn minh Tây thắng thế thì cũng rất nhiều người thể hiện ta đây rất ...Tây. Có cả "Ông Tây Annam" và nhìn những gía trị của văn minh Đông phương, như những sản phẩm không theo kịp sự tiến hóa. Những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ với cái nhìn khoa học Thái Tây thì đó là những ổ bụi bẩn, chưa đầy vi trùng sinh bệnh. Khoa học thì cứ phải là những bộ salon tây gỗ thẳng tắp.
Culi, ba gác theo làm lính tập sang Tây, trở về lên ngôi học giả thông thái. Lúc ấy, cũng không thiếu gì anh chàng thể hiện ta đây Tây học, chê bai đủ điều với những di sản văn minh Đông phương, là không có "cơ sở khoa học", để tỏ ra trí thức thời thượng. "Đồng hồ Tây thì không bao giờ sai!". "Dăm bông, xúc xích ngon và bổ hơn bánh giò, chả lụa". Nào là: "Uống nước lã, ăn quả xanh là không hợp vệ sinh cách trí", phải "rửa tay trước khi ăn cơm cho khỏi vi trùng". Nào là "thời buổi khoa học, đèn điện sáng trưng thì làm gì có ma". ...Chung quy cũng chỉ là một cách thể hiện theo tư duy thời thượng để kiếm chút cháo. Cứ hơi một tý thì "khoa học giải thích rằng...", cứ y như khoa học biết hết tất cả mọi thứ trên thế gian. Hoặc hơi một tý thì lại "khoa học chưa công nhận...", làm tri thức khoa học cứ như đúng rồi. Nhưng bản thân khái niệm khoa học là gì thì đến nay chính khoa học cũng còn đang "xì trum" cái "khoa học".
Từ đó, tính xu thời và nịnh đời đó đẻ ra không ít những kẻ khoa học cực đoan. Có một thân chủ tôi khoe: "Con tôi đang học kiến trúc sư đấy". Tất nhiên thầy phải nói chuyện với kts. Câu đầu tiên vị sinh viên đó phát biểu: "Cháu không tin những gì 'mê tín dị đoan'". Tôi trả lời: "Như vậy tôi không có gì để nói chuyện với anh nữa". Chưa hết, một tiến sĩ khoa học, đứng đầu một Liên hiệp tin học ứng dụng, chém gió trên báo mạng cứ như đúng rồi để thể hiện "tinh thần khoa học": "Tôi cứ phải nhìn thấy tôi mới tin". Lạy Chúa lòng lành vô cùng! Xin Ngài hãy tha tội cho những kẻ dốt nát. Với câu nói nổi tiếng này thì giữa cái "tinh thần khoa học" và tư duy của bà ve chai là hoàn toàn như nhau. Vì cả hai đều nhìn thấy nên mới tin. Nếu như bà ve chai cam đoan có ma, vì bà ấy đã nhìn thấy ma. Thì chính cái tư duy khoa học cứ phải nhìn thấy mới tin ấy lại giải thích rằng: "Làm gì có ma"?! Vậy giữa cái "nhìn thấy" và cái "giải thích rằng", cái nào là khoa học?
Đấy là thứ tư duy tiến sĩ đứng đầu một Liên hiệp tin học ứng dụng. Nhưng giáo sư hàng đầu lại còn tệ hơn. Ông giáo sư vật lý lý thuyết Nguyễn Văn Trọng phát biểu rất nghiêm túc tại cafe Trung Nguyên: Lý thuyết khoa học hiện đại không có tính hợp lý!". Ôi Chúa ơi! Ngài tạo ra cái thế gian này bất hợp lý thế kia à? Với "tinh thần khoa học" của giáo sư Trọng thì tất cả mọi tôn giáo, tín ngưỡng và mọi triết lý của thế nhân, cũng như mọi hình thái ý thức xã hội đều vứt sọt rác, nếu như nó có tính hợp lý tối thiểu.
Lão Gàn viết những điều này, chỉ để chỉ trích những thứ tư duy khoa học nửa mùa, xu thời và vẫn giữ trong ý tưởng của mình sự tôn kính với những nhà khoa học chân chính của nền văn minh hiện đại.
Thực tế va chạm trong nghiên cứu học thuật cho thấy rất rõ rằng: tư duy khoa học chân chính, chưa hẳn đã phụ thuộc vào bằng cấp. Bởi vì, theo lão Gàn thì tất cả những hiện thực khách quan tồn tại đều phải là đối tượng nghiên cứu khoa học. Chẳng thể nào vì sự kém hiểu biết - nói nặng nề hơn là vì dốt nát - không hiểu nổi và rồi tất cả được gán cho cái mác "mê tín dị đoan", không có "cơ sở khoa học".
Vào thời buổi sơ khai của khoa học, một thời Lý học Đông phương bị coi là "mê tín dị đoan"; mặc dù nó là một hiện thức tồn tại khách quan cả hàng ngàn năm trong xã hội Đông phương. Nó có trước tất cả những ý niệm về khoa học - dù hiểu theo cách nào - của nền văn minh Tây phương. Cho đến nay, nền văn minh Thái Tây đầy kiêu hãnh đã bế tắc, nhưng may quá, nó đã kịp nhìn nhận Lý học Đông phương là đối tượng nghiên cứu của khoa học.
Lần đầu tiên trên thế giới,Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á kết hợp với TTNC Lý học Đông phương tổ chức hội thảo và chứng minh thành công "Phong thủy là một ngành khoa học", trong một bối cảnh những gía trị của nền văn minh Đông phương bắt đầu được phục hồi từ Trung Quốc với sự lên ngôi của ngôi sao Bắc Đẩu Dịch học Trung Hoa là Thiệu Vĩ Hoa (Có điều phiền toái là sau đó nó được chứng minh cội nguồn văn minh Đông phương là của Việt Nam).
Tất nhiên trong đó có ngành Phong thủy học Đông phương (Danh xưng chính thức của TTNC Lý học Đông phương là "Phong thủy Lạc Việt", hay "Địa Lý Lạc Việt"). Thế là lại một mốt thời thượng nổi lên, cái khỉ gió gì cũng phong thủy: sim số phong thủy; quần áo cũng phong thủy, bóp ví cũng phong thủy...Cứ như phong thủy bao trùm cuộc sống giống khoa học vậy. Chỉ còn thiếu đi "ị" cũng phải xem giờ Hoàng Đạo. Trong khi đó, phong thủy chỉ là một ngánh học chuyên sâu của Lý học Đông phương , mà nền tảng căn bản là thuyết Âm Dương Ngũ hành. Tuy nhiên, nó hình thành và xuất hiện từ một nền văn minh khác.
Bản chất của phong thủy.
Phong thủy là một ngành khoa học - tất nhiên điều này chỉ đúng với phong thủy Lạc Việt - dù khái niệm khoa học được hiểu theo cách nào. Với những nghiên cứu của lão Gàn thì phong thủy Đông phương tập hợp hầu hết những quy luật tương tác của vũ trụ, trái Đất, môi trường thiên nhiên và cấu trúc hình thể ngôi gia, được mô hình hóa, biểu kiến hóa và mô tả bằng hệ thống phương pháp luận chuyên ngành của bộ môn này. Bởi vậy, nó không thể hình thành từ lịch sử nhận thức được của con người trong nền văn minh hiện đại: từ đồ đá, đồ đồng....đến văn minh hiện đại. Bởi vì tri thức của lịch sử biết được của nền văn minh hiện đại, cho đến ngày nay, vẫn chưa hề biết được bản chất tương tác của vũ trụ. Hay nói cụ thể hơn. Với lịch sử nhận thức được của nền văn minh hiện đại trong quá trình tiến hóa của nhân loại - thì - tri thức của nền văn minh hiện nay được coi là cao cấp nhất trong lịch sử tiến hóa nhận thức được đó. Nhưng nó vẫn chưa đủ trình độ để hiểu biết những quy luật tương tác với khả năng tiên tri, như được thể hiện trong ngành phong thủy Đông phương (Địa lý Lạc Việt). Bởi vậy, những tri thức của nền văn minh cổ Đông phương, mà nền tảng là thuyết Âm Dương Ngũ hành, không thể thuộc về lịch sử của nền văn minh này.
Chỉ còn một cách giải thích khác, có "cơ sở khoa học" là Lý học Đông phương huyền vĩ là do một nền văn minh ngoài trái Đất du nhập. Còn giải thích theo lão Gàn thì là đã tồn tại một nền văn minh toàn cầu kỳ vĩ trên trái Đất này. Đây chính là chủ nhân đích thực của Kim Tự Tháp, văn minh Maya, những bức họa khổng lồ ở Peru....vv....Và nền văn minh này đã bị hủy diệt. Dân tộc Việt có nguồn gốc ở Nam Dương tử chính là hậu duệ còn sống sót của nền văn minh này.
Chính vì tính huyền vĩ của nền văn minh đã bị hủy diệt, vượt quá khả năng của tri thức khoa học hiện đại, nên nó trở thành huyền bí và "khoa học chưa giải thích được". Bởi vậy, từ khia cạnh này, không ít người đã thần thành hóa môn phong thủy. Cứ làm như phoengshui thì giải quyết được mọi chuyện. Thực ra nó không phải như vậy.
Phong thủy Đông phương thực chất chỉ là một ngành ứng dụng của Lý học Đông phương trong kiến trúc và xây dựng. Nó tổng hợp những quy luật tương tác của vũ trụ, nên có khả năng tiên tri rất sâu sắc. Một phong thủy gia giỏi có khả năng nhìn cấu trúc nhà ở có thể dự báo toàn bộ diện biến, hoặc tiên tri trước sự việc sẽ xảy ra. Chính vì phong thủy là một ngành khoa học tổng hợp những quy luật vũ trụ. "Không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri".
Có thể nói đại đã số người không cập nhật thông tin, tiếp tục lối mòn coi phong thủy là "mê tín dị đoan" như cậu sinh viên kiến trúc kia. Nhưng nếu đặt vấn đề phong thủy mê tín ở chỗ nào, thì chắc những người có tính thần khoa học thực sự và cả cực đoan cũng không chỉ ra được. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người theo thói thời thượng coi phong thủy là khoa học thì cũng chẳng chi ra được bản chất khoa học của nó ở chỗ nào. Cũng chỉ nói cho vui, thể hiện khả năng cập nhất thông tin mà thôi.
Lão Gàn đã xác định rằng: Phong thủy là một ngành khoa học theo đúng nghĩa của từ này. Bởi vì hệ thống phương pháp luận chuyên ngành của phong thủy với những mô hình biểu kiến, đã mô tả toàn bộ những quy luật vũ trụ, thiên nhiên cấu trúc hình thể tương tác với con người có khả năng tiên tri. Lý thuyết chuyên ngành phong thủy được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học làm chuẩn mực cho sự thẩm định một lý thuyết khoa học được cho là đúng. Và đấy chính là bản chất khoa học của ngành phong thủy Đông phương, nhân danh nền văn hiến Việt.
Phong thủy không phải thần thánh
Phong thủy Lạc Việt (Danh xưng của phong thủy nói chung) là một ngành khoa học mô tả một cách có hệ thống những quy luật tương tác của môi trường, thiên nhiên vũ trụ và cấu trúc ngôi gia với con người. Và nó thể hiện bằng hệ thống lý thuyết chuyên ngành của nó với những mô hình biểu kiến của nó, là hệ quả của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Nó là một hệ thống lý thuyết giải thích tất cả mọi hệ quả của những quy luật tương tác thông qua ngôi gia cho mọi vấn đề liên quan đến con người có khả năng tiên tri.
Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này một cách dễ dàng. Vì nó thuộc về một nền văn minh khác hẳn lịch sử nhận thức được của tri thức khoa học hiện đại. Ngay cả các thày phong thủy, cũng không ít người coi phong thủy như một tri thức cao siêu huyền vĩ và thần thánh hóa nó như một thế lực siêu nhiên có khả năng giải quyết mọi sự của thế gian. Với họ , nếu như chưa được một kết quả rốt ráo trong phong thủy thì đó là do thân chủ chưa đủ nhân duyên và phúc đức. Những nhận thức này của không ít thày phong thủy khiến nó càng trở nên huyền bí. Bởi vì, không ít người, tuy tự nhận là thày phong thủy, nhưng thực chất chỉ là những người ứng dụng một cách rất cơ học những trí thức phong thủy mà họ biết được, mà không thể hiểu được bản chất của những phương pháp ứng dụng này.
Hơn 2000 năm đã trôi qua, kể từ khi nền văn minh Lạc Việt sụp đổ ở miến nam sông Dương tử. Nền văn minh Hán đã tiếp thu một cách không hoàn chỉnh những giá trị của văn minh Đông phương đích thực thuộc về văn minh Lạc Việt.
Ngay cả khi những giá trị của nền văn minh Lạc Việt thể hiện một cách đầy đủ, hoàn chỉnh và nguyên xi cho đến tận ngày hôm nay, thì cũng là điều huyền vĩ và đầy bí ẩn với tất cả tri thức của nền văn minh hiện đại. Bởi vì, sự phát triển khác nhau dẫn đến những hiểu biết khác nhau giữa hai nền văn minh. Huống chi nó lại là một sự khập khiễng, không hoàn chỉnh bởi sự tiếp thu của nền văn minh Hán.
Trí thức nền tảng đã không thể tiếp thu được - Từ hơn 2000 năm qua, cho đến tận ngày hôm nay, nền văn minh Hán không hề có một cuốn sách mô tả một cách dù chỉ là đại cương về thuyết Âm Dương Ngũ hành - thì tất yếu ngành phong thủy chỉ là hệ quả của thuyết Âm Dương ngũ hành, không phải là một thứ kiến thức dễ tiếp thu và hiểu được. Nhưng chính hiệu quả của phong thủy trong ứng dụng từ hơn 2000 năm qua, cộng với sự mơ hồ của những di sản tri thức còn sót lại, khiến nó được giải thích một cách huyền bí.
Chính vì bản chất khoa học của nó, phản ánh nhận thức của con người - trong một nền văn minh cổ xưa - nên nó cũng có những giới hạn của nó và không phải thần thánh. Hay nói rõ hơn: Chính những quy luật của thiên nhiên cũng phải có điều kiện tương tác để tạo hậu quả thì tri thức của con người phản ánh nhận thức quy luật cũng phải có giới hạn. Cho nên kiến thức phong thủy không phải là thần thánh để muốn gì được đó.
Phong thủy không thể biến kẻ ăn mày thành ông vua và ngược lại. Nhưng phong thủy có thể làm kẻ ăn mày thành bang trưởng cái bang và ông vua thành minh quân, hay hôn quân trong lịch sử. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng:
Trong cuộc sống con người vẫn đang chịu sự tương tác của những quy luật tự nhiên. Lớn thì từ thiên tai, bão tố, động đất...nhẹ thì hạn hán, lụt lội...nhẹ nữa thì mưa to, nắng hạn. Bình thường hơn thì thú dữ, rắn rết...hoặc nhỏ hơn đến tận cùng thì đống rác cạnh nhà, hàng xóm khó tính....vv...Do đó, nếu biết được quy luật của tự nhiên, làm đúng phong thủy thì cuộc sống tốt đẹp và thành bình thường. Tuy nhiên, ngược lại thì tùy theo mức độ mà làm ăn thất bại, hoặc tệ hơn là chết. Nói một cách hình ảnh là: Quy luật tương tác của tự nhiên với con người cũng như con người phải ăn hàng ngày để sống vậy. Nếu biết chọn thức ăn lành, không độc tố và ăn uống điều độ thì cuộc sống phát triển bình thường. Ngược lại, nếu ăn uống bừa bãi, không điều độ thì tùy theo mức độ, độc ít thì sinh bệnh, độc nhiều thì chết. Phong thủy cũng vậy, tùy mức độ phạm phong thủy mà con người sẽ bị tương tác như thế nào. Nhẹ thì làm ăn lúc thắng lúc thua, bệnh nhẹ. Phạm phong thủy nặng thì tiêu tan sản nghiệp và thất bại, hoặc chết.
Nhưng chính vì phong thủy giải thích mọi hiện tượng theo hệ thống lý thuyết với những khái niệm, mô hình biểu kiến của hệ thống phương pháp luận của nó, nên mơ hồ và khó hiểu với con người. Còn con người theo thói quen, giải thích tất cả mọi sự kiện tốt xấu xảy ra một cách trực quan. Bởi vậy, con người có thể thẳng thắn rằng: Tôi không cần biết đến phong thủy, "mê tín dị đoan". Vâng! Hoàn toàn có thể như vậy, không sao cả. Cũng như bà bán xôi có thể tuyên bố, tôi chỉ cần biết đọc biết viết và không cần biết đến cả Galileo, Newton là ai cả.
Nhưng điều khác nhau rất căn bản mà ai cũng có thể nhận thấy được là cách giải thích theo phong thủy có khả năng tiên tri. Còn cách giải thích trực quan, vốn được "khoa học công nhận" thì không có khả năng này. Đây chính là sự phân biệt một hệ thống lý thuyết rất cao cấp của các ngành chuyên môn thuộc hệ thống lý thuyết của thuyết Âm Dương Ngũ hành và tri thức khoa học hiện đại với khả năng hạn chế. Chưa nói đến cách giải thích trực quan của những nhà khoa học giả, sự hiểu biết thật sự về khoa học hiện đại còn hạn chế, nhưng lúc nào cũng vỗ ngực nhân danh khoa học, mà chẳng hiểu bản chất khoa học là gì.
Phong thủy cũng có những giới hạn, vì nó là một ngành khoa học đích thực. Nhưng nó ưu việt hơn tất cả những ngành khoa học hiện nay là giới hạn của nó lớn hơn nhiều so với tri thức khoa học hiện đại.Lão Gàn chả bao giờ "mê tín dị đoan" cả.
Lão Gàn sau cơn bệnh nặng, nhận thấy sức khỏe của tuổi gần thất thập cũng quá kém. Nên sẽ hạn chế tham gia viết bài và chém gió trên mạng. Nhưng hy vọng những bài viết còn lại nơi đây sẽ góp gọi là góp nhỏ bé vào việc phục hồi những giá đích thực của nền văn minh Đông phương trong cuộc hội nhập toàn cầu.
"Một lý thuyết cổ xưa sẽ quay trở lại với nhận loại", bà Vanga vĩ đại đã xác định như vậy. Đấy chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành, nhân danh nền văn hiến Việt.
Nếu như có một nền văn minh nào đó ngoài trái Đất mà con người tìm thấy được, thì chính nền văn minh ngoài trái Đất đó, do nền văn minh cổ xưa chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành trên trái Đất tạo ra nó.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến